Lo ngại về thông tin sai lệch quanh trận mưa lũ lịch sử ở Brazil

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, cuộc bầu cử Tổng thống năm 2018 là một bước ngoặt đánh dấu sự gia tăng mạnh mẽ của thông tin sai lệch ở Brazil. Tuy nhiên, lượng tin giả xung quanh trận lũ lụt mới nhất là cuộc đổ bộ chưa từng có.

Đợt mưa lũ vừa qua ở miền Nam Brazil ảnh hưởng đến 2,3 triệu người

Đợt mưa lũ vừa qua ở miền Nam Brazil ảnh hưởng đến 2,3 triệu người

Vừa qua, đợt lũ ở miền Nam Brazil khiến nước dâng ngập mái nhà, đường biến thành sông, ảnh hưởng đến hơn 2,3 triệu người và 161 người đã thiệt mạng. Các quan chức gọi mưa lũ ở bang Rio Grande do Sul là “thảm họa khí hậu tồi tệ nhất” mà khu vực này từng chứng kiến. Nhưng thảm kịch này đang được khuếch đại bởi một hiện tượng khác, đó là thông tin sai lệch.

Theo đó, một số bài báo, video và bài đăng trên mạng xã hội cho rằng, chính phủ của Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đã chặn các chuyến hàng viện trợ và thuốc men đến khu vực. Có tin cho biết, Tổng thống Lula đã cố tình làm chậm việc cung cấp hàng hóa để ông có thể trực tiếp đến trao hàng viện trợ. Lại có thông tin, lực lượng cứu hộ của chính phủ đang rút khỏi miền Nam Brazil, người dân phải tự lo liệu. Nhưng cả 3 luồng thông tin đó đều là… tin giả.

Giáo sư Rogerio Christofoletti tại Đại học Liên bang Santa Catarina cho biết: “Tôi rất lo ngại về điều đó. Khối lượng tin giả rất lớn và có thể tạo ra bầu không khí nghi ngờ”. Ví dụ, một số tin giả đã gây nghi ngờ về cảnh báo lũ lụt của chính phủ, vốn nhằm cung cấp cho người dân thông tin quan trọng về các tình huống đe dọa tính mạng. Giáo sư Christofoletti nói thêm, thông tin sai lệch thậm chí có thể khiến một số tình nguyện viên và người quyên góp nản lòng. Ví dụ, tình nguyện viên là những người rất quan trọng trong nỗ lực cứu hộ ban đầu. Họ có mặt đầu tiên để giúp đưa những người dân mắc kẹt trên mái nhà tới nơi an toàn. Tuy nhiên, tin nhắn giả lại cảnh báo rằng việc sử dụng thuyền cá nhân đi cứu hộ là bị cấm. Thậm chí, thông tin sai lệch khác đã gây ra hậu quả ngay cả ở những khu vực xa lũ lụt. Các kệ siêu thị hết sạch gạo khi người dân đổ đi mua dự trữ vì có tin đồn Rio Grande do Sul sản xuất 70% lượng gạo của Brazil nên nước này đang cạn kiệt nguồn lương thực thiết yếu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất gạo trong khu vực đã bác bỏ điều đó, khẳng định 84% vụ mùa đã được thu hoạch trước khi có mưa lũ. Chính phủ liên bang cũng đã thông báo sẽ nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo.

Thực tế, Tổng thống Lula da Silva đã đến thăm Rio Grande do Sul 3 lần kể từ khi lũ lụt bắt đầu vào ngày 29-4. Trong tuần đầu tiên, sau những trận mưa xối xả, chính phủ đã cử 14.500 nhân viên liên bang đến cứu hộ, bao gồm cả các chuyên gia quân sự và y tế. Chính quyền cũng đã cam kết 10 tỷ USD để giúp giải quyết thiệt hại mưa lũ. “Chúng tôi sẽ xây một ngôi nhà mới cho những ai đã mất nhà” - ông Lula thông báo tại khu tạm trú ở Sao Leopoldo vào tuần trước. Tuy nhiên, các bài đăng trên mạng xã hội đã hạ thấp quy mô cứu hộ của chính phủ hoặc gây căng thẳng cho người dân địa phương. Ví dụ, một số thông tin sai lệch cáo buộc rằng Brazil gửi quá ít máy bay trực thăng đến Rio Grande do Sul và từ chối hỗ trợ từ nước láng giềng Uruguay.

Theo giới quan sát, phần lớn thông tin giả ở Brazil có chung một chủ đề là phá hoại chính phủ đương nhiệm. Nghiên cứu được Đại học Liên bang Rio Grande do Sul công bố vào tuần trước cho thấy, những thông tin sai lệch lại được lan truyền bởi “những cá nhân hoặc trang web có ảnh hưởng và các chính trị gia cực hữu”. Nhà khoa học Joao Feres Junior tại Đại học bang Rio de Janeiro cho biết: “Nó luôn tồn tại ở Brazil. Điều duy nhất là Internet đã làm cho việc này trở nên dễ dàng và nhanh hơn, đồng thời phe cực hữu đã sử dụng nó làm phương thức giao tiếp của họ”. “Dù muốn hay không, luồng thông tin sai lệch này đang gây tổn hại cho người dân và quá trình tái thiết của bang bị ảnh hưởng bởi lũ lụt” - nhà khoa học Luciana Santana đánh giá.

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/lo-ngai-ve-thong-tin-sai-lech-quanh-tran-mua-lu-lich-su-o-brazil-post577504.antd