Lo ngại vi phạm trật tự xây dựng 'nở rộ'!
Nhiều chuyên gia lo ngại việc miễn phép xây dựng cho hàng loạt các công trình, nhà ở riêng lẻ nhưng không có sự quản lý chặt chẽ từ phía chính quyền các cấp sẽ khiến những vi phạm trật tự xây dựng 'nở rộ', phá vỡ quy hoạch đô thị.
Biệt phủ nguy nga trong dự án Khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng nhưng không hề bị xử lý...?
Hiện trung bình mỗi quận huyện, thành phố trong một tỉnh thành có hàng chục khu dân cư có tỷ lệ quy hoạch 1/500. Các khu dân cư này được xây dựng cho đấu giá quyền sử dụng đất với hình thức phân lô có diện tích khoảng 100m2.
Bên cạnh đó là nhiều khu tái định cư mọc lên. Việc xây dựng khu tái định cư luôn là vấn đề được Nhà nước quan tâm không chỉ nhằm bố trí chỗ ở và ổn định cuộc sống cho những người bị thu hồi đất mà còn nhằm đảm bảo nhanh chóng giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giúp các dự án đã được phê duyệt theo quy hoạch được nhanh chóng triển khai.
Các quy định của pháp luật đất đai luôn hướng đến việc đảm bảo vấn đề tái định cư được thực hiện trước khi Nhà nước thu hồi và bàn giao đất cho chủ đầu tư và việc xây dựng khu tái định cư đã hoàn thành hoặc ít nhất hoàn thành cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Một điểm mới của Luật này là quy định cụ thể 10 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Trong đó có các công trình nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên trên thực tế thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhiều lô liền nhau rồi tự ý chuyển sang xây dựng nhà xưởng sản xuất trong khu dân cư, sử dụng đất 2 - 4 lô đất liền kề sau đó xây dựng nhà hợp khối; xây dựng vượt chiều cao,mật độ,...vi phạm trật tự xây dựng.
Thậm chí tại nhiều khu đô thị các công trình nganh nhiên đập phá, cơi nới tăng diện tích sử dụng, vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng. Thực trạng này tồn tại ở nhiều khu vực tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội khiến quy hoạch đô thị đang bị phá vỡ nghiêm trọng.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Nhà báo & Công luận, tại Khu đô thị Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) nhiều căn biệt thự đã được chủ nhân tự ý sửa chữa, thay đổi thiết kế, mở rộng diện tích tum che lấp không gian của các hộ gia đình khác. Đặc biệt tại khu biệt thự TT3, căn biệt thự nằm ngay tại ngã tư giao cắt giữa đường nội bộ số 1 và số 2 đã được chủ nhân xây dựng thành một tòa “biệt phủ” xa hoa, lộng lẫy bậc nhất tại dự án thể hiện sự giàu sang của gia chủ.
Tại huyện Thanh Trì, ngày 07/02/2005, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định số 19/2005/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đấu giá chuyển quyền sử dụng đất tại xã Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp tỷ lệ 1/500 (Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tổng mặt bằng).
Khu đấu giá được quy hoạch với tổng diện tích lên tới 177.053m2 với quy mô dân số khoảng 4000 người, mật độ xây dựng chung là 22%, hệ số sử dụng đất chung 0,95 lần. Tầng cao trung bình toàn khu 4,4 tầng; trong đó các ô đất nhà ở liền kề và biệt thự có tầng cao trung bình là 3 tầng. Tuy nhiên nhiều nhà xưởng, công trình vi phạm trật tự xây dựng đua nhau mọc lên gây bức xúc dư luận.
Tại khu tái định cư phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) nhiều “công trình khủng” được gấp rút thi công hoàn thiện, công trình đã hoàn thành lại tiếp tục cơi nới thêm mọc rầm rộ. Mặc dù chỉ được phép xây dựng tối đa 4 tầng, nhưng trên thực tế hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn đang ngày đêm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Nhà xưởng mọc tràn lan trong các khu đấu giá, tái định cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao khiến cư dân vô cùng bức xúc
Nói về vấn đề quy hoạch đô thị Hà Nội bị băm nát, giới kiến trúc sư Thủ đô thường lấy câu chuyện của Khu đô thị HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) để làm dẫn chứng cho sự thất bại này. Ngoài ra, nhiều tuyến đường huyết mạch của Thủ đô như Vành đai 3, đường 70, Lên Văn Lương,… luôn trong tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm do gánh trên mình hàng chục tòa nhà cao tầng với hàng ngàn cư dân.
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để ngăn chặn tình trạng quy hoạch bị băm nát, Hà Nội cần làm nghiêm ngay từ khâu quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Phải rà soát lại toàn bộ tiêu chuẩn, quy phạm và nó phải phù hợp với sự phát triển của xã hội. Nhất là việc rà soát lại toàn bộ quy hoạch phân khu của từng khu vực phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt hay chưa.
Nhiều chuyên gia cho biết, nhìn chung hầu hết các dự án khu đô thị, khu đấu giá, tái định cư đã đượcđược phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, nhiều vi phạm đã xuất hiện như: thu hẹp diện tích mặt đường, các công trình xã hội, diện tích cây xanh nhằm tăng mật độ xây dựng nhà để kinh doanh, thay đổi công năng sử dụng công trình,…
Hệ lụy của những sai phạm trên là rất lớn làm tăng quy mô dân số khu đô thị, quá tải hệ thống hạ tầng, các tiện ích công cộng, ùn tắc giao thông. Các vi phạm này đều được hợp thức hóa thông qua việc điều chỉnh quy hoạch của chính quyền địa phương, thậm chí nhiều dự án được điều chỉnh nhiều lần.
Hầu hết lãnh đạo các cấp từ cấp xã, phường, quận, huyện đến cấp tỉnh, thành phố, khi trả lời vấn đề này trước báo giới đều nói :“Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, “xây dựng sai thì phải phá dỡ” hay “sẽ xử lý nghiêm”. Nhưng rồi công trình vẫn còn đó và nhiều công trình vi phạm vẫn mọc lên, tồn tại qua nhiều năm qua nhiều thời kỳ lãnh đạo.
Việc công trình nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được miễn phép là một chủ trương rất đúng đắn, cắt giảm thủ tục hành chính. Để đi vào thực tế có hiệu quả rất cần sự vào cuộc khách quan, công tâm của các cấp quản lý, chính quyền sở tại.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lo-ngai-vi-pham-trat-tu-xay-dung-no-ro-post83397.html