Hôm 11-2, một chiếc trực thăng vận tải đa dụng Mi-8 của không quân Syria đã bị các tay súng nổi dậy bắn rơi trên bầu trời thành phố Idlib khi chiến sự đang diễn ra quyết liệt dưới mặt đất.
Đây là chiếc trực thăng thứ hai của không quân Syria bị trúng đạn phòng không trong cùng ngày, trước đó một chiếc Mi-24P khác cũng bị bắn trúng nhưng phi công đã kịp đưa máy bay về hạ cánh.
Còn đối với chiếc Mi-8 này, do nguồn gốc là trực thăng vận tải nên độ cơ động cũng như khả năng sống sót của nó không thể sánh bằng Mi-24P, ảnh hiện trường cho thấy máy bay đã phát nổ từ trên không.
Theo thông báo, toàn bộ phi hành đoàn bao gồm 5 người trên chiếc trực thăng vận tải đa dụng Mi-8 này đều đã thiệt mạng, trong đó bao gồm nhiều sĩ quan cấp cao.
Danh sách những người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay bao gồm Chuẩn tướng phi công Sharaf Issa Izz Al-Din, phi công Sharaf Ali Hallaq, phi công Bashar Mahmoud Samra và hai đại tá chưa rõ tên.
Việc hàng loạt sĩ quan cấp cao của Syria cùng có mặt trên chiếc trực thăng vận tải và bay ngay trên bầu trời vùng chiến sự với hỏa lực phòng không dày đặc phía dưới đã đặt ra rất nhiều câu hỏi.
Ban đầu có nhận định cho rằng chiếc trực thăng Mi-8 trên đang yểm trợ hỏa lực cho bộ binh Syria tấn công phiến quân nổi dậy, nhưng điều này đã bị bác bỏ bởi không bao giờ nhiều sĩ quan cấp cao lại có mặt trên máy bay để thực hiện nhiệm vụ này.
Vậy lý do nào khiến nhiều sĩ quan cấp cao của Syria lại bất chấp nguy hiểm để lên chiếc trực thăng vận tải vốn nổi tiếng về mức độ chậm chạp và nặng nề và bay vào vùng nguy hiểm như vậy?
Lý do được giới phân tích nhận định chỉ có một, đó là các sĩ quan cao cấp của quân đội Syria đang thực hiện chuyến bay thị sát tham mưu, điều này rất hợp lý với cấp bậc của các quân nhân có mặt trên khoang.
Ngoài ra có nhận định cho rằng tình báo đối phương đã phát hiện ra hành động của các sĩ quan cấp cao của Syria nên đã chủ động đón lõng để bắn hạ chiếc trực thăng.
Tuy nhiên ý kiến này không nhận được nhiều đồng thuận, bởi chiếc Mi-8 này là mục tiêu quá "ngon lành" cho hỏa lực phòng không mặt đất, nhất là khi nó bay một mình không có yểm trợ.
Qua sự việc trên có thể nhận thấy điểm yếu chí tử của không quân Syria đã được thể hiện rõ, đó là họ không có máy bay trinh sát không người lái đủ tin cậy để làm nhiệm vụ trinh sát chiến trường.
Chính vì điểm yếu này mà loạt sĩ quan cao cấp đã phải chấp nhận rủi ro để tự mình đi trinh sát tham mưu, để rồi quân đội nước này đã phải hứng chịu thiệt hại vô cùng nặng nề.
Sau sự việc trên, có lẽ quân đội chính phủ Syria cần phải nhanh chóng yêu cầu Nga hoặc Iran cung cấp cho mình một số chủng loại máy bay không người lái trinh sát để giảm thiểu nguy hiểm cho quân nhân.
Bạch Dương