Lộ nhiều góc khuất trong kinh doanh căn hộ chung cư theo giờ: Cấm hay quản?
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, vài ngày, 1-2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp.
Nhiều bất cập
Như VietNamNet thông tin, mới đây, cử tri đã phản ánh về việc quản lý sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày hết sức khó khăn, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao. Vì vậy, cử tri kiến nghị xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể.
Trả lời vấn đề này Bộ Xây dựng cho biết tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Luật Nhà ở 2014 đã quy định “Chủ sở hữu nhà ở là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sử dụng nhà ở vào mục đích để ở và các mục đích khác mà luật không cấm”.
Dẫn quy định tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 99 (năm 2015) của Chính phủ Bộ Xây dựng khẳng địnhh: Pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Đánh giá về vấn đề này,Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) thuê nhà theo hình thức "chia sẻ phòng thuê" có thời hạn cho thuê ngắn, trong đó có cho thuê căn hộ chung cư, là phương thức cho thuê nhà mới, sử dụng dịch vụ Airbnb, phù hợp với "nền kinh tế chia sẻ".
Tuy nhiên, Hiệp hội cũng chỉ ra rằng, hiện chưa có đầy đủ các quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức “chia sẻ phòng thuê” thông qua sử dụng dịch vụ Airbnb, dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như làm thất thu ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê sử dụng dịch vụ Airbnb để hoạt động tội phạm.
Bên cạnh đó, đã phát sinh “xung đột lợi ích” giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân, do thường xuyên có người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư.
Kiến nghị sửa luật công nhận là hoạt động kinh doanh hợp pháp
Mặc dù còn những bất cập, tuy nhiên HoREA cho rằng, phương thức "chia sẻ phòng thuê" chắc chắn sẽ còn phát triển rất mạnh trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ số. Cũng theo HoREA, dịch vụ Airbnb được sử dụng phổ biến trên nhiều quốc gia nên việc cho phép Airbnb hoạt động ở Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng có thu nhập không cao, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú.
Bên cạnh đó, sử dụng dịch vụ Airbnb đảm bảo tính tiện lợi, bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà, thanh toán tiền đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp.
Ngoài ra, phương thức chia sẻ phòng thuê ngày còn giúp khai thác hiệu quả tài sản nhà ở, nhất là các phòng ở dôi dư, hoặc các căn hộ trong khu vực có nhiều khách vãng lai, khách du lịch.
“Không thể tiếp tục quản lý theo kiểu "tư duy cũ, không quản được thì cấm", mà cấm cũng không được, vì đây là nhu cầu thực tế của cuộc sống, có cầu tất có cung” – ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.
Từ đó, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, công nhận dịch vụ cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, quy định người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật; quy định thời gian mà người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn được hoạt động kinh doanh cho thuê.
HoREA cũng đề nghị xem xét phương án quy định người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn, có nghĩa vụ đóng góp (bổ sung) kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, do hoạt động kinh doanh này có thể làm gia tăng khối lượng công tác và trách nhiệm của Ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư.
Tuy nhiên, trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ vấn đề này. “Kinh doanh theo giờ như vậy giống như kiểu mô hình kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ. Việc kinh doanh kiểu mô hình khách sạn ở chung cư thì phải xem dự án đó có được phê duyệt mục đích hỗn hợp hay không. Bởi luật Nhà ở quy định không được sử dụng sai mục đích nếu sử dụng sai thì UBND cấp phường có thể đình chỉ. Nếu bây giờ hợp thức hóa câu chuyện hợp thức hóa phải sửa luật” – luật sư Toại nói.
Vị luật sư cũng cho rằng, việc kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cư dân ở chính tòa nhà đó. Bởi việc quản lý nhân sự ra vào, an ninh trật tự có thể xảy ra vấn đề về trật tự, PCCC.
“Vấn đề ở đây là trong dự án đó có được phê duyệt mục đích kinh doanh cho thuê không. Mục đích để ở mà bây giờ chuyển sang mục đích khác thì rõ ràng có những quy chuẩn tiêu chuẩn khác nhau. Luật hiện tại chưa cho phép nếu sửa luật để hợp thức hóa thì cũng có những trường hợp là người dân ở trong chính dự án, tòa nhà ấy có thể thấy khó chịu. Cần phải nghiên cứu rất kỹ vấn đề này. Theo ý kiến của tôi là không nên hợp thức hóa. Loại hình nào luật cũng có quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng không nên biến thành những loại hình “con lai”. Như loại hình condotel vẫn được gọi là con lai và đến nay vẫn có những tranh cãi bất cập” – luật sư Toại nêu ý kiến.