Lo nhờn luật, VCCI đề nghị bỏ quy định kiểm tra định kỳ cân ngoài chợ

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đưa cân của tiểu thương vào danh mục phải kiểm tra định kỳ 12 hoặc 24 tháng, nếu không có thể bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng.

Theo VCCI, trong một giao dịch dân sự - kinh tế, các bên có thể có rất nhiều biện pháp khác để có thể bảo đảm sự chính xác của đo lường, như hình thức cân đối chứng, mà không nhất thiết phải sử dụng các cơ chế kiểm định từ tổ chức được cấp phép.

Theo VCCI, trong một giao dịch dân sự - kinh tế, các bên có thể có rất nhiều biện pháp khác để có thể bảo đảm sự chính xác của đo lường, như hình thức cân đối chứng, mà không nhất thiết phải sử dụng các cơ chế kiểm định từ tổ chức được cấp phép.

Bãi bỏ hoặc giảm tần suất kiểm định định kỳ với thiết bị đo sử dụng cho mục đích tư

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2013/TT-BKHCN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 vẫn có mặt các loại cân thông dụng, như cân của tiểu thương ngoài chợ.

Cụ thể là, cân đồng hồ lò xo, cân bàn, cân đĩa, cân treo dọc thép-lá đề thuộc danh mục áp dụng biện pháp kiểm soát đo lường gồm phê duyệt mẫu, kiểm định ban đầu, định kỳ và sau chữa chữa. Cùng danh mục với cân thông thường là nhiều loại phương tiện đo như cân ô tô chuyên dùng kiểm tra tải trọng xe cơ giới, phương tiện đo kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông, đo thủy chuẩn...

Đây là các phương tiện thuộc nhóm 2, phải được kiểm soát theo quy định của Luật Đo lường dành cho phương tiện đo được sử dụng cho các mục đích “định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác”. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết danh mục tại Thông tư 23/2013/TT-BKHCN.

Với quy định này, nếu các tiểu thương không đem cân đi kiểm định tại các tổ chức đủ điều kiện theo đúng quy định thì có thể bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo trên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự lo ngại khi Thông tư 23/2013/TT-BKHCN đã gộp chung tất cả những phương tiện đo được sử dụng cho các mục đích trên đều phải đáp ứng mức độ kiểm soát như nhau mà chưa có sự phân loại chi tiết hơn.

“Điều này chưa thực sự hợp lý và gây ra những vấn đề bất cập trên thực tế”, VCCI lý giải.

Lấy ví dụ là cân thông thường, VCCI nhận định, thực tế rất ít tiểu thương mang cân của mình đi kiểm định đúng thời hạn. Chính quyền một số địa phương cũng phản ánh sự khó khăn khi thực thi quy định này. Một số chi cục đo lường tại các địa phương đã phải tổ chức đoàn kiểm định cân miễn phí cho tiểu thương ở chợ. Kết quả các đợt kiểm định này cũng cho thấy tỷ lệ cân không đạt tiêu chuẩn khá thấp. Khi không có các đợt kiểm định miễn phí tại chỗ thì các tiểu thương cũng không chủ động tuân thủ do tốn kém chi phí đi lại, và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Việc yêu cầu các thiết bị đo sử dụng cho mục đích tư cũng phải được quản lý như mục đích công gây ra nhiều vấn đề bất cập được doanh nghiệp và các hộ kinh doanh phản ánh. Điều này vừa gây tốn kém cho xã hội, vừa tạo tâm lý nhờn luật khi có quy định mà khó thực thi, lại tạo rủi ro không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường”, VCCI bình luận.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc họ phải tốn nhiều chi phí, thời gian để kiểm định các loại phương tiện đo trong khi tỷ lệ sai sót hầu như bằng không. Mỗi lần như vậy, doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tháo thiết bị đo trong máy móc để mang đến tổ chức kiểm định hoặc mời kiểm định viên đến tận nơi với chi phí đắt đỏ.

"Đối với phương tiện đo sử dụng cho mục đích công, nếu có sai sót thì có thể gây nguy cơ mất an toàn, gây tai nạn hoặc sai sót công vụ. Ví dụ, đồng hồ đo áp suất bình nén khí nếu sai sót có thể gây nổ bình, tai nạn thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản; hoặc cân phân tích dùng trong giám định tư pháp chất ma túy nếu có sai sót có thể dẫn đến kết án oan sai. Đây đều là những rủi ro mà nếu nó xảy ra thì không thể hoặc rất khó có thể khắc phục. Do đó, việc kiểm soát các thiết bị đo này cần chặt chẽ và nên chú trọng vào tiền kiểm”, VCCI giải trình trong văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để góp ý cho Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 23/2013/TT-BKHCN.

Ngược lại, đối với các phương tiện đo sử dụng cho mục đích giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, nếu có sai sót thì vẫn có thể dễ dàng khắc phục được. Các biện pháp khắc phục có thể kể đến như điều chỉnh số tiền thanh toán, bổ sung hoặc trả lại lượng hàng hóa tương ứng, điều chỉnh các nội dung khác trong hợp đồng giao dịch.

Thêm vào đó, theo VCCI, trong một giao dịch dân sự - kinh tế, các bên có thể có rất nhiều biện pháp khác để có thể bảo đảm sự chính xác của đo lường mà không nhất thiết phải sử dụng các cơ chế kiểm định từ tổ chức được cấp phép. Ví dụ, các bên sử dụng nhiều thiết bị đo để đối chứng, hoặc các bên tự kiểm định thiết bị đo mà không cần một bên thứ ba độc lập. Đối với giao dịch giá trị nhỏ, các bên còn có thể tin tưởng nhau để có thể bỏ qua việc kiểm chứng kết quả đo, để giảm chi phí giao dịch, hoặc sử dụng biện pháp hậu kiểm và trừng phạt bằng cách từ chối mua hàng trong tương lai.

Nói chung, đối với các thiết bị đo sử dụng cho mục đích tư thì không nhất thiết phải áp dụng cơ chế kiểm định chặt chẽ như đối với thiết bị đo dành cho mục đích công.

Rủi ro đối với thiết bị đo dành cho mục đích tư chủ yếu nằm ở việc cố ý gian lận đo lường. Đối với việc cố ý gian lận thì biện pháp kiểm định và xử phạt khi không thực hiện kiểm định lại không hiệu quả bằng biện pháp xử phạt thật nghiêm minh khi có gian lận. Việc kiểm định thường xuyên sẽ gây tốn kém chi phí cho những người không gian lận nhưng không đem lại nhiều ý nghĩa trong việc giảm hành vi gian lận cố ý.

Với các lý do trên, VCCI cho rằng, cần điều chỉnh quy định đối với phương tiện đo nhóm 2 theo mục đích sử dụng. Một nhóm có mục đích về “bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác”, tạm gọi là các lợi ích công, bởi đây là các vấn đề thuộc về an toàn và công vụ.

Nhóm thứ hai là mục đích “định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán”, tạm gọi là các lợi ích tư, bởi đây là vấn đề thuộc về thỏa thuận giữa các bên mua bán hàng hóa.

Cụ thể, VCCI kiến nghị với phương tiện đo sử dụng trong “định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán” thì bãi bỏ hoặc giảm tần suất kiểm định định kỳ. Thay vào đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đo lường để phát hiện hành vi gian lận.

Cân nhắc lợi ích khi bổ sung thiết bị sạc điện cho xe điện vào phương tiện đo nhóm 2

Cũng với quan điểm cân nhắc lợi ích thu được và chi phí bỏ ra, VCCI chưa đồng tình ngay với việc bổ sung thiết bị sạc điện cho xe điện vào diện phương tiện đo nhóm 2.

“Tờ trình chỉ nêu duy nhất một lý do cho sự cần thiết là vì thiết bị này có chức năng đo đếm, xác định lượng điện năng mà bên bán điện bán cho bên mua điện. Tờ trình chưa hề thuyết minh về lợi ích thu được của chính sách này, cũng như không có đánh giá về chi phí phải bỏ ra”, VCCI giải trình rõ lý do.

Vì, theo suy đoán, lợi ích của chính sách này là nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm lượng điện bán ra được đo lường chính xác. Muốn xác định lợi ích này, cơ quan soạn thảo cần tiến hành khảo sát các thiết bị sạc điện hiện nay đang được sử dụng xem tỷ lệ và mức độ sai sót về đo lường như thế nào. Nếu mức độ sai sót lớn thì việc kiểm soát về đo lường mới mang lại lợi ích. Còn nếu các thiết bị sạc điện hiện nay có sai số nhỏ, trong phạm vi cho phép thì không cần bổ sung thêm biện pháp kiểm soát.

Thêm vào đó, cần tính toán chi phí của các khâu phê duyệt mẫu, kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ và kiểm định sau sửa chữa. Chi phí này bao gồm cả dự kiến giá dịch vụ kiểm định trên thị trường, các chi phí thời gian chậm đưa thiết bị vào sử dụng, chi phí đi lại, chi phí dừng hoạt động để phục vụ kiểm định.

Đề nghị cơ quan soạn thảo thu thập và cung cấp các thông tin về chi phí và lợi ích như trên của việc bổ sung thiết bị sạc xe điện và phương tiện đo nhóm 2. Trong trường hợp không chứng minh được lợi ích thu được lớn hơn chi phí bỏ ra thì đề nghị cơ quan soạn thảo không bổ sung thiết bị sạc điện cho xe điện vào diện phương tiện đo nhóm 2.

Cũng góp ý cho Dự thảo thông tư, VCCI cũng đề nghị tính tới cơ chế phối hợp hợp lý giữa việc kiểm định an toàn và kiểm định phương tiện đo để giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Thực tế, các doanh nghiệp phản ánh tình trạng thủ tục kiểm định phương tiện đo và kiểm định an toàn hiện đang không phối hợp với nhau. Như vậy, các phương tiện, máy móc, thiết bị mà có gắn kèm phương tiện đo sẽ phải thực hiện hai thủ tục kiểm định độc lập.
Ví dụ, xe taxi hiện nay phải kiểm định an toàn và khí thải tại các trung tâm đăng kiểm, nhưng lại phải thực hiện thủ tục kiểm định taximet tại các đơn vị khác. Tình trạng này cũng nảy sinh đối với các máy móc, thiết bị phải kiểm định an toàn lao động, kiểm định an toàn kỹ thuật điện, kiểm định phòng cháy chữa cháy, kiểm định trang thiết bị y tế và các hình thức kiểm định an toàn khác.
Một số đơn vị cung cấp dịch vụ chứng nhận sự phù hợp hiện nay đã đồng thời thực hiện cả hai hình thức kiểm định an toàn và kiểm định phương tiện đo để phục vụ khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên, do chu kỳ kiểm định của hai hình thức kiểm định này không tương thích với nhau, nên doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục nhiều lần một cách không cần thiết.
Tuy nhiên, trước mắt, VCCI đề nghị bổ sung quy định theo hướng: đối với những phương tiện đo gắn liền với các loại phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị phải thực hiện việc kiểm định an toàn thì chu kỳ kiểm định phương tiện đo đó đúng bằng chu kỳ kiểm định an toàn của phương tiện, máy móc, thiết bị.

Khánh Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lo-nhon-luat-vcci-de-nghi-bo-quy-dinh-kiem-tra-dinh-ky-can-ngoai-cho-d187666.html