Lo nước sạch cho dân
Cụ thể, có hơn 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch nhưng tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, công trình cấp nước sạch đô thị, thiết bị lọc nước chỉ hơn 30%. Rất nhiều vùng nông thôn hiện nay rơi vào tình trạng 'nước mênh mông' nhưng nước sạch thực sự lại hiếm hoi do nguồn nước ngầm cạn kiệt, sông suối ô nhiễm nặng. Tại nhiều vùng đô thị thì tỷ lệ sử dụng nước sạch có khá hơn, song vẫn chưa đồng đều bởi có nơi đầu tư tốt, nơi không. Ngay tại TP.Biên Hòa, hiện có hơn 99% dân số thành phố sử dụng nước sạch, nhưng thực tế tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế chỉ khoảng 88%.
Trong giai đoạn tới, dự báo quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, nhiều vùng nông thôn trở thành đô thị, chưa kể tỉnh chủ trương tiếp tục mở rộng các khu, cụm công nghiệp. Do đó, nhu cầu sử dụng nước sạch vào sinh hoạt và sản xuất sẽ tăng cao, đòi hỏi một giải pháp tổng thể để “đón đầu” giai đoạn tới. Chính vì vậy, Đồng Nai đang ráo riết xây dựng đề án Cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025 trên nguyên tắc nghiên cứu, khảo sát hiện trạng và nhu cầu sử dụng nước sạch một cách tổng thể trên quy mô toàn tỉnh về nước sạch cho giai đoạn 5 năm tới.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tại nhiều cuộc họp, đề án này phải hệ thống được nhu cầu nước sạch của các địa phương, khu vực, đặc biệt là các khu vực mới được phê duyệt đất công nghiệp, khu vực sân bay Long Thành. Về nguồn nước, hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, khai thác nước ở hồ điều tiết nước sản xuất nông nghiệp, tận dụng nguồn sông Đồng Nai. Cùng với đó, phải đưa các công trình cấp nước, hệ thống đường ống chính vào quy hoạch sử dụng đất tạo điều kiện quá trình triển khai các dự án.
Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành nhanh chóng thống nhất đề án nước sạch giai đoạn 2021-2025 của tỉnh trong tháng 4 này. Ngay sau khi tỉnh phê duyệt đề án, phải có kế hoạch triển khai đến các địa phương, nhà đầu tư. Bên cạnh nước sạch, ngành Nông nghiệp cũng tính toán kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình khai thác nước sông phục vụ sản xuất nông nghiệp để bảo vệ tài nguyên nước ngầm (nguồn: UBND tỉnh Đồng Nai).
Ở khía cạnh các nhà đầu tư, kế hoạch này cũng cần nhanh chóng được triển khai đến họ, để họ cân nhắc kỹ nguồn nước, vị trí xây dựng nhà máy, quy mô công suất, công nghệ xử lý… để doanh nghiệp và người dân cùng có lợi một cách bền vững, lâu dài.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202104/lo-nuoc-sach-cho-dan-3052099/