Lo sợ dịch bệnh, những nhà hàng ở các khu Chinatown trên khắp thế giới vắng lặng không một bóng người
Khi dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, các khu Chinatown (Phố Người Hoa) từ Sydney cho đến New York, từ San Francisco đến Toronto cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Những con phố, nhà hàng vắng lặng không một bóng người cho thấy nỗi lo của cộng đồng đã bị đẩy lên rất cao.
Cách Hồ Bắc khoảng 8000km, các khu phố ở vùng ngoại ô phía bắc Sydney - là nơi sinh sống và làm việc của rất nhiều người Trung Quốc, chìm trong cảnh vắng lặng. Một tấm bảng được đặt bên ngoài quán ăn nhỏ ở Eastwood có nội dung trấn an và nỗ lực thu hút khách, được viết bằng tiếng Quan thoại: "Nhà hàng đã được khử trùng!"
Nhà hàng, cửa hàng bán lẻ hầu như không có khách
Kể từ cuối tháng 1, hoạt động kinh doanh ở đây đã sụt giảm tới 70% khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Úc xuất hiện, theo chia sẻ của Lily Zhou, chủ nhà hàng kiểu Thượng Hải, 39 tuổi. Zhou nói rằng nếu mọi thứ vẫn như hiện tại, thì cửa hàng của chị chỉ trụ được tối đa 3 tháng.
Trong bối cảnh rất nhiều người Úc gốc Hoa vẫn "mắc kẹt" ở Trung Quốc sau dịp Tết Nguyên đán, đúng hơn là vẫn phải cách ly, cửa hàng của chị Zhou không phải trường hợp duy nhất gặp khó khăn. Với tâm lý "ngại" người Trung Quốc ở thời điểm này, thì triển vọng kinh doanh trở nên tồi tệ đến mức ủy ban thành phố Eastwood phải lên kế hoạch thành lập quỹ hỗ trợ 500.000 AUD (330.000 USD).
Khi dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, các khu Chinatown (Phố Người Hoa) từ Sydney cho đến New York, từ San Francisco đến Toronto cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi thị trường tài chính chứng kiến biến động mạnh, các nhà kinh tế tính toán "cái giá phải trả" đối với GDP toàn cầu do dịch bệnh, thì những con phố, nhà hàng vắng lặng không một bóng người cho thấy nỗi lo của cộng đồng đã bị đẩy lên rất cao.
Tại 99 Favor Tast – một nhà hàng lẩu nướng nổi tiếng trên Phố Grand – Hạ Manhattan, trước đây khách hàng thường phải xếp hàng ít nhất nửa tiếng để được phục vụ, quản lý nhà hàng Echo Wu cho hay. Giờ đây, nhà hàng lúc nào cũng có bàn trống, trong khi doanh số bán hàng vào cuối tuần giảm tới 1/3.
Theo Wu, đa số khách hàng của anh là "người nước ngoài" chứ không phải người Trung Quốc và anh cho rằng tâm lý lo ngại "vô lý" đã khiến khách hàng không còn lui tới. Một khách hàng từng gọi điện trực tiếp cho anh để xác nhận rằng thực phẩm ở đây không phải nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc. Wu cho hay: "Có thể họ đang có thành kiến với các nhà hàng Trung Quốc. Tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn hợp lý hơn, bởi chưa có trường hợp nhiễm bệnh nào ở khu vực này."
Toronto cũng chứng kiến cảnh tương tự. Ben - quản lý nhà hàng dim sum Rol San, chia sẻ rằng doanh số bán hàng tại đây đã giảm tới 30% và khu phố đi bộ thường ngày rất đông đúc, nhộn nhịp giờ đây lặng thinh, ít người qua lại. Khi được hỏi rằng liệu nguyên nhân có phải là do virus corona hay không, anh trả lời: "Rõ ràng là vậy." Tại một siêu thị gần đó, nhân viên cũng cho biết số lượng khách hàng sụt giảm rõ rệt trong những tuần vừa rồi.
Ở khu Chinatown tại Manchester – thành phố lớn thứ hai nước Anh, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng sau khi các sinh viên Trung Quốc (thường chiếm khoảng 40% khách hàng) không còn đến kể từ khi họ về quê vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Raymond Chan – làm việc tại Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, cho biết.
Chan nói: "Số lượng khách du lịch và khách hàng đều ít đi. Các cửa hàng thực sự gặp khó khăn ở thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thống nhất về giải pháp hỗ trợ." Hiện tại, hiệp hội này đang thảo luận về những cách thức như tổ chức hội chợ vào cuối tuần với ưu đãi ăn thử đồ ăn miễn phí và giảm giá để thu hút khách hàng.
Cảnh tượng đông đúc, nhộn nhịp vào buổi trưa ở Chinatown - San Francisco giờ đây đã không còn và những người đến đây cũng đeo khẩu trang rất cẩn thận. Henry Chen, 56 tuổi, chủ cửa hàng AA Bakery & Cafe trên phố Stockton, giãi bày: "Chúng tôi thường có một hàng dài khách xếp hàng trước tiệm." Nhưng vì sự lây lan của virus corona, cửa hàng chỉ có 2 bàn có khách, đường phố cũng vắng lặng hơn, doanh số sụt giảm tới 30%.
Các cửa hàng bán khẩu trang, nước rửa tay hưởng liên tục "cháy hàng"
Quay trở lại với thành phố Eastwood, một số cửa hàng địa phương lại hưởng lợi trong bối cảnh dịch bệnh lây lan. Cửa hàng bán đồ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp – Phonenix, không kịp đáp ứng các đơn đặt hàng vitamin hay các sản phẩm sữa bột, khi người Trung Quốc đã mua một số lượng lớn để dự trữ hoặc gửi về đại lục. Trợ lý quản lý – Ruby Han, phải làm việc thêm giờ trong thời điểm này, khi công ty cố gắng tuyển dụng thêm nhân viên để giải quyết tình trạng lượng mua hàng tăng vọt.
Tuy nhiên, không sản phẩm nào bán chạy như khẩu trang, nước rửa tay và bông tẩm cồn. Han chia sẻ: "Cứ 10 phút lại có người vào cửa hàng và hỏi ‘Bạn có khẩu trang không?’ Thành thật mà nói, chúng tôi không thể đáp ứng vì nhu cầu quá cao."
Theo đó, "daigou trade" (buôn hàng xách tay) đang trong giai đoạn bùng nổ. AuMake International cho biết doanh số bán hàng online của họ đã vượt mốc 1 triệu AUD trong 14 ngày, kể từ ngày 10/2, cao gấp đôi so với 4 tuần trước. Trong đó, chủ yếu là các đơn đặt hàng khẩu trang, chất khử trùng và các loại thực phẩm chức năng tăng cường hệ miễn dịch.
Những sản phẩm này cũng "cháy hàng" ở một tiệm thuốc nhỏ trong Dragon City Mall ở Toronto. Timothy Chan, 57 tuổi, dược sĩ bán hàng tại đây cho hay: "Chúng tôi thường bán khoảng 100 chiếc khẩu trang mỗi tuần, giờ đây chúng tôi bán hơn 700 chiếc/tuần dù lượng khách ít hơn." Ông nói, ngoài khách hàng cá nhân, thì các ngân hàng và doanh nghiệp cũng đến mua khẩu trang với số lượng lớn.
Đối với Phillip Wu, quản lý nhà hàng lẩu Dolar Shop tại khu Phố Tàu ở Sydney, việc dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại đối với người Úc gốc Hoa ở Trung Quốc là rất quan trọng. Wu nói: "Nếu chính phủ cho biết ‘Được rồi, chúng tôi sẽ bỏ lệnh cấm các chuyến bay và mọi người có thể đến Úc’, thì hoạt động kinh doanh của tôi sẽ khởi sắc trở lại, bởi hàng chục nghìn người Trung Quốc sẽ quay lại đây." Doanh số của Dolar Shop đã giảm tới 60% và 100 nhân viên đã phải giảm giờ làm xuống chỉ còn 4 ngày/tuần.
Dẫu vậy, khả năng này ít có thể xảy ra, bởi Hội đồng Bảo an Quốc gia Australia sẽ xem xét lệnh cấm người nhập cảnh đến từ Trung Quốc theo từng tuần.
Tại khu Chinatown ở New York, Jan Lee – một chủ doanh nghiệp địa phương, chia sẻ nỗi lo sợ về virus corona sẽ dần giảm bớt như đối với dịch SARS cách đây 17 năm. Lee nói: "Chúng ta cần phân biệt được khoa học và những lời đồn thổi. Tôi cho rằng đó những gì đã diễn ra khi SARS bùn phát. Cuối cùng, mọi người bắt đầu hiểu rằng nó không quá nguy hiểm và mọi thứ sẽ bình thường trở lại. Mọi người cần đồ ăn Trung Quốc và sẽ quay lại."