Lo sợ Nga thâu tóm hết 'miếng bánh' Libya, Mỹ tức tốc 'giơ chân' ngáng đường?
Mỹ muốn hỗ trợ nhiều hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn Moscow kiểm soát cuộc chơi ở Libya.
Mỹ phản ứng ngay lập tức
Sau khoảng thời gian im ắng để Nga lấn lướt ở Trung Đông, Mỹ mới đây đã tăng cường các nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow ở Libya trong mục tiêu duy trì sự cân bằng giữa các bên trong cuộc xung đột.
Suốt một năm qua, Washington đã kêu gọi Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, chấm dứt cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli và thúc đẩy một thỏa thuận chính trị dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới dừng lại ở lời nói thay vì hành động.
Điều này đã thay đổi vào ngày 27/5, khi Bộ Tư lệnh Mỹ ở Châu Phi tuyên bố Nga đã chuyển 14 máy bay chiến đấu sang Libya sau khi ngụy trang chúng ở Syria. Động thái của Moscow bị cáo buộc được thực hiện để hỗ trợ cho nhóm lính đánh thuê chiến đấu bên cạnh lực lượng của tướng Haftar.
Phản ứng ban đầu của Mỹ là liên lạc trực tiếp với Bộ Quốc phòng Tunisia để thảo luận về khả năng triển khai của quân đội Mỹ gần biên giới Libya. Động thái này sẽ là đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga ở Bắc Phi trên ngưỡng cửa châu Âu.
Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng của Moscow ở Libya, nơi căn cứ Al-Jafra chiến lược ở trung tâm nước này có sự xuất hiện của máy bay chiến đấu Nga và là nơi có thể triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa.
Có những quan điểm còn cho rằng, Nga đang cố gắng có được quyền sử dụng các cảng Tobruk và Derna trên bờ biển phía Đông của Libya. Nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ có một vị thế vô cùng mạnh mẽ ở phía Đông Địa Trung Hải, đặc biệt khi nước này đã có một căn cứ hải quân ở Tartus, Syria.
Syria và Libya là hai đầu mối trong chiến lược của Nga nhằm phong tỏa Tây Âu, đồng thời gây ra nhiều ảnh hưởng đến các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ. Với thế kìm kẹp như vậy, liên minh NATO sẽ bị chia rẽ.
Tuy nhiên, có vẻ như Washington đã ngay lập tức nhận ra các động thái của Moscow để có sự phản ứng cần thiết bằng cách ủng hộ chính trị cho sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya.
Đại sứ Mỹ tại Libya, Richard Norland, hoan nghênh những gì ông mô tả là vai trò tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chấm dứt ảnh hưởng của lính đánh thuê từ tập đoàn Wagner (Nga) và Janjaweed (Sudan) trong cuộc họp báo ngày 4/6.
Những lính đánh thuê này đã tham gia vào các hoạt động quân sự ở Tripoli kể từ tháng 10 năm ngoái, ủng hộ cho LNA, trong khi Ankara hậu thuẫn cho Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).
Thế kìm kẹp của Nga
Các nước châu Âu từ trước đến nay vẫn coi các quốc gia Đông Âu như một vùng đệm giữa họ và Nga. Sau khi sáp nhập Crimea, Moscow đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria và giờ là Libya. Đây là một mối đe dọa mới mà Tây Âu cho rằng họ cần đối phó.
Các nước châu Âu bao gồm Pháp, Đức và Italy từ lâu đã chuyển hướng sang nguồn dầu giá rẻ từ Libya để không phụ thuộc vào nguồn dầu từ Nga. Chính vì lẽ đó, ảnh hưởng của Nga tại các cảng xuất khẩu dầu của Libya, bên cạnh các nhượng bộ và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, sẽ cho phép Moscow tiếp tục kiểm soát dòng năng lượng chảy vào châu Âu.
Hơn nữa, việc Nga tiếp cận trữ lượng dầu Libya sẽ giúp Moscow tiếp tục với kế hoạch tăng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc lên 30 triệu tấn mỗi năm, trong khi vẫn duy trì kiểm soát thị trường dầu mỏ châu Âu và đảm bảo nhu cầu của chính họ.
Bờ biển Libya là một cửa ngõ chính cho người di cư đi qua Địa Trung Hải đến châu Âu xin tị nạn. Với việc có được chỗ đứng ở Libya, Nga sẽ có thể gây ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu một phần nào đó ở con đường này, khiến các nước châu Âu bắt buộc phải tìm kiếm một sự đồng thuận với Moscow.
Liên minh châu Âu sẽ ngày càng suy yếu khi các nước như Italy, Hy Lạp và Pháp cố gắng tăng cường phối hợp và hợp tác với Moscow vì mong muốn bảo vệ an ninh quốc gia và năng lượng của chính mình.
Ngoài ra, châu Âu đang hướng tới củng cố sức mạnh để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phân định biên giới trên biển ở Địa Trung Hải và cuộc đấu tranh giành tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là Hy Lạp và Pháp.
Hoàn toàn có khả năng Nga sẽ cố gắng lan rộng ảnh hưởng của mình ở Syria trên các khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ như thành lập căn cứ quân sự ở khu vực Kessab và một số khu vực miền núi nhìn ra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây là một nỗ lực của Moscow nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với các chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó thúc đẩy Ankara tiến gần hơn đến mình và tránh xa NATO.
Chiến lược của Nga có thể hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này đã giải thích cho sự thay đổi trong thái độ của Washington ở Libya và nỗ lực triển khai quân đội ở Tunisia.
Viễn cảnh như vậy cũng có thể thúc đẩy Mỹ hỗ trợ nhiều hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn Moscow kiểm soát cuộc chơi.