Lo sợ suy thoái, thế hệ Gen Z tại Mỹ đổ xô kiếm thêm tấm bằng sau đại học
Theo Bloomberg, khi thế hệ Gen Z đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường lao động gần như đóng băng, nhiều dấu hiệu ban đầu cho thấy lượng đơn đăng ký theo học các chương trình sau đại học năm 2025 có thể sẽ tăng mạnh.

Sinh viên tham dự một buổi hội thảo tại trường đại học Marshall, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây được xem là một phản ứng “kinh điển” mỗi khi nền kinh tế đối mặt suy thoái. Theo đó, khi thị trường việc làm ảm đạm, nhiều người đã chọn cách quay lại giảng đường kiếm thêm tấm bằng tốt nghiệp mới. Điều này từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và những tín hiệu hiện tại cho thấy điều đó có thể đang một lần nữa lặp lại.
Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết sự quan tâm về các chương trình sau đại học đang gia tăng nhanh chóng. Mặc dù số liệu chính thức sẽ phải chờ vài tháng nữa, nhưng các công ty như Kaplan, Ivy Coach, IvyWise, Top Tier Admissions và Cambridge Coaching đều dự đoán năm 2025 sẽ có một mùa tuyển sinh “bùng nổ”.
“Yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến việc sinh viên cân nhắc việc học sau đại học chính là suy thoái kinh tế hoặc sự bất ổn kinh tế”, ông Jayson Weingarten, cố vấn tuyển sinh cao cấp tại Ivy Coach, nhận định. “Sinh viên nghĩ rằng điều đó sẽ giúp tái khởi động tốt khi thị trường việc làm phục hồi”, ông nói thêm.
Dù các con số tổng thể về việc làm tại Mỹ vẫn ở mức ổn định nhưng thị trường lao động hiện nay đang trong trạng thái “ít tuyển dụng, ít sa thải” khiến giới trẻ khó tìm được việc hơn. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 20 đến 24 đã đạt 7,5% trong tháng trước – tăng 2 điểm phần trăm so với mức thấp nhất vào hồi tháng 4/2023. Điều này khiến nhiều người cảm thấy không ít phần lo lắng.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo sợ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ khiến hàng loạt công việc văn phòng trở nên “lỗi thời”. Trong khi một số người khác dự đoán xu hướng “lạm phát bằng cấp” trong các bài đăng tuyển dụng việc làm sẽ quay trở lại nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái do tác động từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump.
“Có bằng thạc sĩ đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với công việc đầu vào”, cô Sarah Thornton - học viên chương trình MBA trực tuyến của Đại học bang Louisiana (LSU) - chia sẻ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Coastal Carolina vào năm 2023, cô đã dành gần một năm nộp đơn vào hơn 50 vị trí khác nhau trước khi đưa ra quyết định theo học tại LSU. Cô đã chuyển từ ngành học khoa học biển sang kế toán với hy vọng tăng khả năng tìm việc sau khi lấy được tấm bằng mới.
Chia sẻ về thời điểm đi xin việc, cô nói rằng bản thân thân thậm chí đã không nhận được một cuộc gọi hồi đáp nào và cảm giác lúc đó như đâm đầu vào tường.
Thị trường việc làm gần như đóng băng
Sự bất ổn liên quan đến các thông số như lạm phát, lãi suất và triển vọng kinh tế đã khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm việc tuyển dụng mới. Giới trẻ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một thị trường lao động gần như đóng băng. Theo bà Kristen Willmott - giám đốc tuyển sinh sau đại học tại Top Tier Admissions, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp muốn đi làm vài năm để tích lũy kinh nghiệm trước khi học tiếp. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, việc học ngay lên cao học là lựa chọn hợp lý hơn.
Shyanne Martinez, 25 tuổi, học viên cao học tại Đại học bang New Mexico, cho biết một phần lý do cô đăng ký học tiếp là để đón đầu sự phát triển của lĩnh vực AI.
Dù đã có vài năm kinh nghiệm làm điều phối viên truyền thông xã hội, cô Martinez vẫn cho biết bản thân gặp không ít khó khăn khi tìm một công việc mới trong ngành marketing. Cô nhận định nguyên nhân của tình trạng này dường như đang đến từ sự phổ biến của AI.
“Chúng tôi đang cạnh tranh với AI ngay từ bây giờ. Các doanh nghiệp muốn cắt giảm và tiết kiệm tiền, và họ có thể để AI làm một việc gì đó và nó rẻ hơn”, cô Martinez nói.
Bài toán về tài chính khi trở lại trường đại học
Dù vậy, theo học sau đại học không phải là lựa chọn an toàn về mặt tài chính, đặc biệt là với những người phải vay nợ để trang trải trong quãng thời gian này.
Học phí tại các trường luật và kinh doanh có thể khiến học viên phải đối mặt với khoản nợ lên đến hàng trăm nghìn USD. Thêm vào đó, lãi suất các khoản vay học sau đại học thường cao hơn so với học đại học. Trong năm học 2024-2025, lãi suất vay cho chương trình sau đại học có thể lên tới 9,08%, cao hơn so với mức 6,53% dành cho bậc đại học.
Ông Amit Schlesinger, giám đốc điều hành tại công ty giáo dục Kaplan, nhấn mạnh rằng việc có một kế hoạch dài hạn rõ ràng là cực kỳ quan trọng. Mọi người chắc chắc không muốn theo học một chương trình nào đó, rồi ra trường với khoản vay khổng lồ mà chưa có kế hoạch thực tế nào, ông nhấn mạnh thêm.
Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy bản thân họ không còn lựa chọn nào khác tốt hơn vào thời điểm hiện nay.
Claire Speredelozzi, 26 tuổi, cho biết cô đã dành vài năm cố gắng tìm việc trong lĩnh vực truyền thông sau khi tốt nghiệp Đại học Massachusetts Boston vào năm 2022.
Với công việc tốt nhất tìm được chỉ là bồi bàn, cô đã đưa ra quyết định vay khoảng 30.000 USD để quay lại giảng đường vào mùa thu năm nay với mục tiêu lấy tấm bằng về ngành khảo cổ tại Đại học Binghamton. Cô hy vọng sau đó sẽ có thể tìm được một công việc trong lĩnh vực quản lý tài nguyên di sản văn hóa.
Cô cho biết nhiều vị trí việc làm giờ đây yêu cầu nhiều năm kinh nghiệm và thành thạo những kỹ năng mà sinh viên mới tốt nghiệp không hề có. “Có bằng cử nhân chẳng có ý nghĩa gì”, cô nhấn mạnh.