Lo sớm để không thiếu điện

Miền Bắc vẫn có nguy cơ thiếu điện trong mùa Hè năm tới. Đây là dự báo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu ra trong cuộc họp gần đây về tiết kiệm điện.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết dự báo nhu cầu sử dụng điện tăng bình quân 9% mỗi năm, tương ứng công suất tăng 4.000 - 4.500 MW/năm.

Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 chỉ là 1.950 MW và năm 2025 là 3.770 MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Tại miền Bắc, nhu cầu điện tăng 10% mỗi năm song công suất dự phòng lại thấp. Vì vậy, giai đoạn nắng nóng cao điểm, tức là tháng 6 - 7/2024, miền Bắc có thể thiếu từ 420 - 1.770 MW điện.

Đợt thiếu điện trong mùa Hè năm nay để lại nhiều hệ lụy cho cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Đến mức, có doanh nghiệp FDI “mặc cả” rằng họ sẽ chỉ rót vốn đầu tư nếu Việt Nam bảo đảm cung cấp điện 24/24 giờ.

Vì vậy, dù mùa Hè năm nay còn chưa thực sự kết thúc thì tìm kiếm và thực thi các giải pháp để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong năm 2024 và những năm tiếp theo là việc phải làm.

Hiện tại, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc nhằm tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc.

Tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, dự án đường dây 500kV từ miền Trung ra miền Bắc (mạch 3 kéo dài) gồm 4 tiểu dự án, có tổng chiều dài 514km, nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên). Dự án này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối lưới điện liên miền, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Dự án cũng đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII và dự kiến đưa vào vận hành năm 2025 - 2026 nhằm tăng công suất cung ứng điện từ Nam ra Bắc lên 5.000 MW.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, dự án này phải hoàn tất trong tháng 6/2024. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn khi mà dự án có quy mô lớn, liên quan đến 9 tỉnh, hiện vẫn chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp.

Trong đó, đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có quy mô 2 mạch, dài khoảng 316,7km đi qua 4 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Thời gian thực hiện dự án có quy mô tương tự thế này là khoảng 50 tháng kể từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đó là chưa xét đến rủi ro trong bồi thường giải phóng mặt bằng.

Vì lẽ đó, để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc, cùng với việc nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo dài, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tính toán thêm các phương án hỗ trợ khác.

Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương nên mở rộng chính sách cho phát triển điện mặt trời mái nhà khu vực phía Bắc. Thay vì dừng lại ở cơ chế “tự sản, tự dùng”, có thể áp dụng cơ chế “bán sang nhà hàng xóm”; đồng thời mở rộng cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ sản xuất như doanh nghiệp trong khu công nghiệp, bệnh viện, khách sạn, bến xe, nhà hàng… phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà.

Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện nếu có kế hoạch duy tu thì phải tập trung thực hiện trong mùa Đông năm nay, thay vì theo lịch rơi vào đúng mùa Hè như đã xảy ra với Nhiệt điện Thái Bình 2, Vũng Áng 1… vừa qua và làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu điện.

Tuệ Lâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lo-som-de-khong-thieu-dien-post652300.html