Lo thiếu nguyên liệu cho dệt may, giày dép
Dệt may, giày dép là hai ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh, chiếm gần 30% trong trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai. Nguồn nguyên liệu đầu vào của các ngành trên 50-60% nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), các doanh nghiệp (DN) lo lắng sẽ thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép trong tháng 2-2020 giảm mạnh do nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế. Nguyên nhân là một số nhà máy sản xuất nguyên liệu ở Trung Quốc đã kéo dài thời gian nghỉ để phòng chống dịch.
* Ảnh hưởng dây chuyền
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai đạt gần 4,3 tỷ USD, dệt may đạt hơn 2 tỷ USD, dự kiến năm 2020 sẽ tăng thêm gần 700 triệu USD xấp xỉ 5 tỷ USD. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến tăng trưởng của hai ngành này giảm mạnh và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu từ 10-11% của Đồng Nai trong năm nay. Hiện các DN tại Đồng Nai đang gấp rút tìm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu từ các nước khác ngoài Trung Quốc, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi nguồn nguyên liệu trong nước, nhập khẩu các nước phần lớn giá cao hơn nguyên liệu của Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tác động của dịch bệnh đối với các DN lớn chưa thực sự rõ ràng vì đã nhập sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đến tháng 4, 5-2020, song với những DN nhỏ chưa tự chủ được đơn hàng thì nguyên phụ liệu chỉ có thể đáp ứng được hết tháng 2 hoặc tháng 3-2020. Như vậy nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp có thể nhiều DN sẽ phải tạm ngưng sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất và tiến độ hoàn thành nhà máy mới của công ty tại huyện Tân Phú. Dự kiến cuối tháng 2 này, công ty sẽ khánh thành nhà máy sản xuất giày dép ở Tân Phú, nhưng do dịch bệnh máy móc nhập từ Trung Quốc không giao kịp tiến độ, đành phải lùi lại thời gian đưa nhà máy vào hoạt động”. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam đang lo lắng vì 20% nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Trung Quốc có thể phải tìm nguồn cung từ nơi khác thay thế.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nguồn vải để sản xuất quần áo xuất khẩu của công ty nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc rất ít, nhưng dịch bệnh kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của công ty. Bởi các DN sản xuất vải trong nước phải nhập sợi từ Trung Quốc và họ cũng đang khó khăn vì thiếu nguyên liệu đầu vào, nguồn cung vải sẽ giảm”.
Ngoài cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho ngành dệt may, giày dép, Trung Quốc còn là “công xưởng” của thế giới trong việc cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ dệt may, giày dép và nhiều ngành khác. Vì thế, dịch bệnh diễn biến xấu tại Trung Quốc ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều nước đang nhập nguyên liệu đầu vào từ quốc gia này. Đơn cử là nhiều DN tại Đồng Nai nhập khẩu nguyên liệu cho ngành giày dép từ Hàn Quốc, nhưng sản phẩm đầu vào để sản xuất nguyên liệu DN Hàn Quốc phải mua từ Trung Quốc cũng đang bị hạn chế nên nguồn cung cho DN Đồng Nai giảm.
Các DN dệt may, giày dép khác ở Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước cũng đang đối mặt với khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất cho những tháng tới.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong tháng 1-2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 2,85 tỷ USD, giảm gần 23,5% so với cùng kỳ năm 2019 và nhập khẩu khoảng 1,39 tỷ USD cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019 và gần 35% so với tháng trước đó. Nguyên nhân là do lịch nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, cộng thêm tác động của dịch Covid-19.
* Chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, hiện Việt Nam đang nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, giày dép từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong tháng 1-2020, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu giày dép của Việt Nam giảm hơn 22% so với tháng trước đó và giảm gần 24% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, giày dép lớn nhất, chiếm gần 50% trong tổng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh. Tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 11% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm gần 35% so với tháng 1-2019. Sự suy giảm trên chủ yếu do bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN.
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số DN dệt may, giày dép đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Argentina, Hàn Quốc, Ấn Độ, Brasil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Tuy nhiên, do thực trạng khoảng 90% DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa, nên ngoài sự chủ động của DN, cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. DN đang cần sự tiếp sức của Nhà nước về nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các DN cũng mong muốn Nhà nước giảm “gánh nặng” cho DN về phí cầu đường, phí cảng biển để vượt qua khó khăn hiện nay.
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai cho biết: “Dù nguồn nguyên liệu vải công ty nhập về đủ sản xuất đến tháng 4-2020, nhưng hiện vẫn phải xúc tiến tìm nguyên liệu trong nước và từ những nước khác để dự phòng trường hợp xấu nhất, dịch bệnh kéo dài”.
Trong tháng 1, 2-2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép của cả nước giảm mạnh, song Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước là vì các DN vẫn còn nguồn nguyên liệu dự trữ để sản xuất.
Mới đây, khi làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: “Các sở, ngành phải kịp thời nắm bắt những khó khăn của DN do dịch Covid-19 mang lại, sau đó đề xuất UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ. Tỉnh sẽ hỗ trợ DN bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm nguồn nguyên liệu đầu vào, hạn chế thiếu nguyên liệu sản xuất.