Lộ thông tin cá nhân ngày càng gia tăng
Ngày 8-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dữ liệu. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) góp ý về quy định bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trước tình trạng lộ lọt dữ liệu, thông tin cá nhân, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng.
Lộ thông tin cá nhân ngày càng tăng
Nhận định tình trạng lộ lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân ngày càng gia tăng, ĐB Đào Chí Nghĩa (TP Cần Thơ) cho rằng, thực trạng này đòi hỏi phải có những quy định cụ thể để bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân.
Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, dữ liệu rất quan trọng nên các loại tội phạm đều tìm cách có được để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm cho cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Tội phạm lừa đảo thích nghi, phát triển rất đa dạng và tinh vi nhằm mục đích phạm tội.
ĐB cũng chia sẻ, thời gian qua, bản thân gặp rất nhiều cuộc gọi lừa đảo. “Không hiểu vì sao đối tượng có đầy đủ số điện thoại, công việc, chức vụ của tôi để đe dọa nhiều lần.
Thậm chí, ngay việc thanh toán trực tuyến tiền điện, nước cho cha mẹ tôi mà đối tượng cũng tận dụng để lừa đảo… Rõ ràng dữ liệu cá nhân một cách rất cụ thể của tôi đã bị lộ lọt”, ĐB Trình Lam Sinh nói.
Trước tình trạng trên, ĐB Đào Chí Nghĩa đề nghị, trong dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo đảm thông tin dữ liệu.
Cùng với đó, cần có chế tài mạnh xử lý các vi phạm liên quan công tác bảo mật dữ liệu. Trong đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu cá nhân bị đánh cắp do sơ xuất trong quá trình bảo mật.
Bên cạnh đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, xác định cụ thể việc xác lập dữ liệu của cá nhân ở mức độ nào để nhằm hạn chế việc khai thác, thu thập thông tin đời tư của cá nhân, gia đình mà chưa có sự đồng ý của đối tượng.
Về việc công khai dữ liệu, ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, dữ liệu liên quan bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được công khai trong trường hợp được người đó đồng ý. Dữ liệu liên quan bí mật gia đình được công khai trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.
ĐB đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ thế nào là bí mật đời sống riêng tư, đồng thời cân nhắc quy định về bí mật đời sống riêng tư. Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
Cân nhắc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Bên cạnh đó, ĐB Phạm Văn Hòa đề xuất, cần cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia. Bởi vì hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách nhà nước.
Theo ĐB, dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách. Nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng với một số quỹ khác như báo cáo thẩm tra. Bên cạnh đó, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp.
ĐB Trình Lam Sinh (An Giang) cho rằng, nguồn kinh phí để Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia hoạt động rất quan trọng.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần đánh giá kỹ về cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính hiệu quả để xem việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia đã phù hợp với Luật Ngân sách chưa và có trùng với một số quỹ khác hay không.
Dữ liệu là một dạng “tài sản” mới rất quan trọng, có thể xem như “tài sản” quốc gia. Vì vậy, cần đánh giá tác động khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, để đảm bảo không bị chi phối hay lộ lọt thông tin.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lo-thong-tin-ca-nhan-ngay-cang-gia-tang-post767386.html