Lộ trình cam go

Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) đã khởi động đàm phán về quan hệ thương mại song phương sau khi London không còn dưới 'mái nhà chung EU'. Với chương trình nghị sự dày đặc, nhiều vấn đề bất đồng nhưng thời gian lại ngắn, lộ trình thương lượng được dự báo vô cùng cam go, khiến không bên nào tự tin có thể đạt thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc cuối năm nay.

Cuộc thảo luận đầu tiên giữa các nhà đàm phán Anh và EU đã bắt đầu ngày 2-3, tại Brussels (Bỉ), nhằm phác thảo mối quan hệ mới giữa hai bên, sau khi Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Mục tiêu cuối cùng là đạt được một hiệp định thương mại song phương, không thuế quan và không hạn ngạch, đồng thời xác lập các khung hợp tác về an ninh, tự do đi lại, hoạt động đánh bắt cá... Cuộc thương lượng đầu tiên tại Brussels kéo dài đến ngày 5-3 tới; phiên đàm phán thứ hai cũng được lên lịch vào cuối tháng 3, tại London; các vòng tiếp theo được tổ chức luân phiên tại lãnh thổ mỗi bên, với mục tiêu đạt thỏa thuận cuối cùng trước ngày 31-12-2020, khi thời hạn quá độ Brexit chấm dứt.

Như vậy, về lý thuyết, Anh và EU còn hơn chín tháng để đàm phán. Song thực tế thì, các nhóm đàm phán của hai bên phải chạy đua để đạt nhất trí về khung thỏa thuận muộn nhất vào tháng 9 tới, mới đủ thời gian dành cho các thủ tục phê chuẩn hiệp định trước hạn chót vào cuối năm. Thậm chí, Anh còn cảnh báo, từ nay cho đến trước Hội nghị cấp cao EU vào tháng 6 tới, nếu hai bên không đạt tiến triển trong đàm phán, London sẽ xúc tiến các hoạt động chuẩn bị cho kịch bản “Brexit cứng”, tức là kết thúc thời kỳ chuyển tiếp mà không có thỏa thuận với EU.

Khung thời gian cho đàm phán hạn hẹp đặt ra thách thức lớn với cả hai bên. Hồ sơ đàm phán gồm nhiều vấn đề gây tranh cãi, thậm chí đối nghịch nhau, còn gây khó khăn hơn nhiều. Trước khi ngồi vào bàn thương lượng, cả Anh và EU chưa chia sẻ quan điểm chung trong hầu hết những vấn đề quan trọng, nhưng lại đều đưa ra những thông điệp cứng rắn liên quan những nội dung ưu tiên, thậm chí là không thể nhượng bộ. Một danh sách dài các vấn đề cần thống nhất trong quan hệ tương lai giữa Anh và EU được bàn thảo trong những vòng thương lượng sắp tới, từ kinh tế, thương mại, đến pháp lý, môi trường, an ninh - quốc phòng, giao thông, nghề cá, hợp tác nghiên cứu khoa học... Trong đó, vấn đề chủ quyền và thương mại vẫn là chủ đề gai góc nhất. Trong khi EU mong muốn Anh dù rời đi nhưng vẫn duy trì liên kết với các tiêu chuẩn, quy định của EU, thì với London, mục đích cốt lõi của Brexit là lấy lại quyền của nước Anh kiểm soát luật pháp theo ý chí của mình. Trong tuyên bố ngay trước thềm cuộc họp ở Brussels, Chính phủ Anh khẳng định sẽ không đàm phán về bất kỳ sự dàn xếp nào, được cho là sẽ “lấy đi quyền kiểm soát pháp luật và đời sống chính trị của nước Anh”. Hàm ý là, London không “đánh đổi chủ quyền quốc gia”, không chấp thuận bất cứ liên kết nào với luật pháp EU. Bởi lẽ, sau Brexit, một nước Anh có chủ quyền toàn vẹn và đầy đủ sẽ không có lý do gì để tuân thủ luật pháp hay phán quyết của EU. Văn bản nội dung đàm phán của Chính phủ Anh nêu rõ, ngày 31-12-2020, Anh sẽ khôi phục hoàn toàn tự do kinh tế và chính trị; tầm nhìn quan hệ Anh - EU dựa trên hợp tác hữu nghị, bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng quyền tự trị về luật pháp và quyền quản lý của mỗi bên.

Quan điểm nêu trên của Anh đã “giội gáo nước lạnh” vào mong muốn của EU, khi khối này chủ trương duy trì một “sân chơi thương mại công bằng” với nước Anh thời “hậu Brexit”, trên cơ sở các quy định, tiêu chuẩn của EU, hoặc ngang bằng với EU, trong cả lĩnh vực thuế quan, lẫn các vấn đề xã hội, lao động, môi trường, hay trợ cấp của nhà nước. Theo EU, bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Anh cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn chung, mức độ cao, thậm chí lấy các tiêu chuẩn của EU làm căn cứ tham khảo. Trong khi đó, như Thủ tướng B.Johnson khẳng định, Brexit là để nước Anh khôi phục quyền tự quyết, vì thế, thỏa thuận cần dựa trên cơ sở hai bên cùng công nhận lẫn nhau, được quyền tiếp cận các thị trường và chấp thuận các tiêu chuẩn cao của nhau.

Cùng khẳng định mong muốn đạt được thỏa thuận trước hạn chót, nhằm duy trì ổn định dòng chảy thương mại song phương, song cả Anh lẫn EU vẫn giữ quan điểm khác biệt, thậm chí đến trước ngày đàm phán hai bên còn chưa thống nhất được thể thức thương lượng. Với thời gian đàm phán không nhiều, nếu cả hai bên không có sự nhượng bộ chấp nhận được, thì lộ trình tiến tới một thỏa thuận thương mại Anh - EU còn nhiều cam go, chẳng kém tiến trình Brexit hơn ba năm qua.

Ninh Sơn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/43465002-lo-trinh-cam-go.html