Lộ trình Mỹ - Nga gặp gỡ: Hé lộ bước ngoặt kiểm soát vũ khí hạt nhân
Theo NBCNews, các quan chức Mỹ đang cân nhắc thời gian và địa điểm tiềm năng cho thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin, dự kiến trong tháng sau tại New York.
Tờ báo trích dẫn nguồn tin cho biết, mục tiêu của thượng đỉnh sẽ là hai nhà lãnh đạo thông báo tiến trình cho thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới giữa Mỹ và Nga.
Một lựa chọn đang cân nhắc là hai nhà lãnh đạo sẽ ký kế hoạch chi tiết cho chặng đường phía trước trong các cuộc đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước New START – Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ hết thời hạn vào năm tới, ba nguồn tin liên quan đến cuộc thảo luận cho biết.
Thông tin cho rằng Tổng thống Trump xem Hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để dành lợi thế tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ và chứng minh rằng ông có thể tham gia đàm phán các thỏa thuận.
"Tổng thống Trump ắt hẳn sẽ thể hiện khả năng đàm phán của mình. Đây là một sân khấu lớn", một nguồn tin tiết lộ.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, các kế hoạch tổ chức thêm nhiều cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong các tuần tiếp theo trước cuộc bầu cử Mỹ.
Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien cho biết vào ngày 16/8 trong chương trình "Meet the Press" rằng Tổng thống Donald Trump chưa từng yêu cầu gặp Tổng thống Putin tại Mỹ nhưng ông hy vọng sẽ giúp các nhà lãnh đạo của Nga ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới.
"Chúng tôi không tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Mỹ, tuy nhiên, vào một thời điểm nào đó, chúng tôi muốn ông Putin có thể có mặt ở Washington để ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa hai nước và có thể bảo vệ người dân Mỹ và người dân Nga.
Người phát ngôn viên điện Kremlin hiện chưa đưa ra phản ứng ngay lập tức trước bình luận này.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo hôm thứ Sáu tuần trước rằng đại diện đặc biệt về kiểm soát vũ khí của Mỹ - ông Marshall Billingslea có kế hoạch gặp mặt với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov tại Viena vào ngày 17/8 trong vòng đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Nga về hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Theo NBCNews, sau các vòng đàm phán trong tháng Sáu, ông Billingslea cho biết Mỹ "đang để lại tất cả lựa chọn trên bàn" về tương lai của hiệp ước, bao gồm việc gia hạn hiệp ước nhưng vẫn nhấn mạnh rằng Mỹ muốn Trung Quốc cùng tham gia thỏa thuận mới. Kể từ đó, Mỹ và Nga đã không thống nhất được một số yếu tố cơ bản của thỏa thuận, bao gồm cả việc xác định các điều khoản nhất định trong các cuộc họp, một quan chức quốc phòng cho biết.
Quan chức này cũng cho biết, điều này rõ ràng rằng một khuôn khổ cơ bản để đàm phán hiệp ước do Tổng thống Trump và Tổng thống Putin ký sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin chi tiết của bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào.
"Không có kế hoạch hiện tại cho cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin", quan chức này cho biết. "Chúng tôi đang đàm phán về kiểm soát vũ khí. Hi vọng rằng chúng ta có thể đạt được một số tiến bộ ở Vienna trong tuần tới. Việc bắt đầu cuộc gặp trong tuần tới sẽ là quá sớm".
Một số cố vấn của Tổng thống đã phản đối thượng đỉnh của Tổng thống Putin trước bầu cử, nguồn tin quen thuộc cho biết.
Giới quan sát cho rằng, bất kỳ quan điểm nào của Tổng thống Trump để đạt được thỏa thuận kiểm soát vũ khí đều bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài liên quan.
Tổng thống Trump đã tham gia một số cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin kể từ khi lên nắm chính quyền, bao gồm thượng đỉnh 2018 tại Helsinki, Phần Lan. Tổng thống Trump cũng thường xuyên có các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin kể từ khi vào Nhà Trắng, gần đây nhất là cuộc gặp vào ngày 23/7.
Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã nêu lên ý tưởng cuộc họp giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp – 5 thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để thảo luận về các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch cho cuộc họp 5 thành viên thường trực đã phải trì hoãn vì dịch bệnh.
Tương tự như vậy trong tháng Năm, Tổng thống Trump đã trì hoãn thượng đỉnh G7 mà ông đã hi vọng có thể tham gia trong tháng Sáu hoặc trong mùa hè cũng bởi vì dịch bệnh. Cho đến đầu tuần này, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục kế hoạch trì hoãn thượng đỉnh G7 và nói rằng sẽ diễn ra sau bầu cử tháng 11 và ông muốn mời ông Putin tham gia.
"Tôi không biết nhưng chúng tôi đã mời một số người tham gia cuộc họp. Tôi chắc chắn sẽ mời Tổng thống Putin tham gia", Tổng thống Trump nói.
Nga đã bị trục xuất khỏi G8 vào năm 2014. Các thành viên khác bao gồm Đức, Pháp, Anh, Italy, Nhật Bản và Canada.
Một nguồn tin nói rằng, một cuộc họp tại New York có thể diễn ra trong thời điểm tổ chức Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng Chín. Hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa các nhà lãnh đạo thế giới dự kiến sẽ họp trực tuyến trong năm nay bởi vì đại dịch.
"Tôi đang nghĩ đến việc có thể trực tiếp có mặt ở Liên Hợp Quốc và tham gia phát biểu", Tổng thống Trump nói trong họp báo. "Tôi cho rằng điều này là phù hợp. Nếu chúng ta có thể làm điều này thì tôi cũng sẽ làm điều đó".
Chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi hiệp ước kiểm soát vũ khí mới không chỉ với Nga mà còn với cả Trung Quốc. Các quan chức nói rằng nỗ lực tạo khung pháp lý ngay lập tức của chính quyền giữa Mỹ và Nga không nhằm mục tiêu vào Trung Quốc – quốc gia này đã phản đối các cuộc đàm phán và cũng sở hữu phần nào kho vũ khí hạt nhân.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn muốn đưa Trung Quốc ràng buộc trong một thỏa thuận hạt nhân nhưng các quan chức này nói rằng họ cũng có thể gia hạn Hiệp ước New START mới trong thời gian tạm thời.
Quan chức này nói rằng, việc gia hạn hiệp ước New START có thể kéo dài tới 5 năm, bao gồm hai hệ thống vũ khí mới của Nga mà Moscow đã trình làng. Việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hiện tại cũng giúp chính quyền Tổng thống Trump có thêm thời gian đưa Trung Quốc tham gia cùng Mỹ và Nga trong thỏa thuận mới.