Lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với đơn vị hành chính quy mô nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương này, các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, bảo đảm đúng mục tiêu và lộ trình đề ra.
Hệ thống chính trị vào cuộc
Tỉnh Sơn La có 12 đơn vị hành chính cấp huyện; 204 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 188 xã, 7 phường, 9 thị trấn. Trước đây, chia tách, thành lập đơn vị hành chính cấp xã phần lớn theo yếu tố tự nhiên, chưa xem xét các tiêu chí về diện tích, dân số, dẫn đến một số đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đạt tiêu chuẩn quy định.
Thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Sơn La phải hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, gồm 3 thị trấn các huyện: Phù Yên, Thuận Châu, Yên Châu. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương khuyến khích sắp xếp, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính đô thị, tạo động lực phát triển KT-XH và hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương, gồm: Sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích của xã Nà Nghịu; thành lập thị trấn Quỳnh Nhai, huyện Quỳnh Nhai, trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số xã Mường Giàng; thành lập thị xã Mộc Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Mộc Châu. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai, hoàn thành nhiệm vụ điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mai Sơn, mở rộng thành phố Sơn La gắn với mục tiêu phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I và phát triển nhanh, xanh, bền vững.
Thực hiện lộ trình đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Việc triển khai các bước do UBND cấp huyện thực hiện và làm chủ đầu tư. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề án thành lập, điều chỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ lập đồ án quy hoạch chung, xây dựng chương trình phát triển đô thị, đề án công nhận loại đô thị; thẩm định, trình UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt các đồ án, đề án.
Tại các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo huyện ủy, thành ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính do bí thư cấp ủy hoặc phó bí thư - chủ tịch UBND làm trưởng ban chỉ đạo. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ nhiệm vụ, lộ trình thực hiện; tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện đến các cá nhân, tổ chức và nhân dân ở các đơn vị hành chính có ảnh hưởng; xây dựng, hoàn thiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương giai đoạn 2023-2025, trình xin ý kiến Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy, trình UBND tỉnh.
Đảm bảo quy định, phù hợp thực tế
Yên Châu là 1 trong 3 địa phương thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Qua rà soát, thị trấn Yên Châu chưa đảm bảo tiêu chí đô thị loại IV về quy mô dân số, diện tích tự nhiên là 1,17 km², mới đạt 8,3% (theo quy định 14 km²); dân số trên 3.900 người, đạt 99% so với quy định. Đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, tiến độ xây dựng đô thị loại IV, UBND huyện xây dựng phương án trình UBND tỉnh, Sở Nội vụ xin ý kiến cấp có thẩm quyền cho chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính xã Viêng Lán, xã Sặp Vạt, mở rộng thị trấn Yên Châu.
Theo đó, UBND huyện đề ra phương án thực hiện điều chỉnh 8,14 km²; 2.491 nhân khẩu của xã Viêng Lán; 6,44 km²; 2.532 nhân khẩu 6 bản, gồm: Bắt Đông, Khóng, Nà Khái, Him Lam, Nghè và ½ bản Mệt Sai của xã Sặp Vạt vào thị trấn Yên Châu. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính các xã mở rộng thị trấn, toàn huyện giảm 1 xã, từ 15 đơn vị hành chính cấp xã xuống 14 đơn vị. Sau khi mở rộng, thị trấn Yên Châu có diện tích 15 km², dân số khoảng 8.980 người, đạt 100% tiêu chuẩn.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Các đơn vị hành chính cấp xã của huyện có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính, tên gọi. Vì vậy, khi triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập, huyện đã tính toán phương án, nghiên cứu sáp nhập các xã đảm bảo quy định, phù hợp thực tế. Do thời gian, tiến độ rất khẩn trương, huyện đã đề ra thời gian cụ thể thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch. Hiện nay, các xã đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về chủ trương sáp nhập và nhận được sự đồng thuận.
Còn thị trấn Phù Yên, dân số đô thị có tốc độ phát triển nhanh; các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh mẽ; nhu cầu sử dụng đất của cơ quan, đơn vị Nhà nước, các doanh nghiệp và dân cư ngày một tăng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, thị trấn Phù Yên có diện tích tự nhiên 1,05 km², mới đạt 7,5% so với tiêu chuẩn. Do đó, phải sắp xếp địa giới hành chính theo quy định. Theo đó, ngày 28/1/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên ban hành Đề án số 07-ĐA/HU mở rộng thị trấn Phù Yên. Hơn 2 năm triển khai, đến nay, huyện đang phối hợp với đơn vị tư vấn, phấn đấu hoàn thành dự thảo phương án sáp nhập, điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính cuối năm 2023.
Bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phù Yên, cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện Đề án sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính theo các bước đúng quy trình. Tiến hành các bước điều chỉnh một phần địa giới hành chính các xã Huy Bắc, Quang Huy, Huy Hạ vào thị trấn Phù Yên; điều chỉnh diện tích còn lại của xã Huy Bắc vào xã Huy Hạ, diện tích còn lại của xã Quang Huy nhập vào xã Suối Tọ. Sau điều chỉnh, diện tích của thị trấn tăng gần 15 km², với 25 bản, tiểu khu. Toàn huyện giảm 2 xã sau sắp xếp (giải thể xã Huy Bắc và Quang Huy).
Đối với việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thị trấn Thuận Châu, thị trấn Sông Mã, các huyện hoàn thành xong bước lập Đồ án quy hoạch chung, cơ bản hoàn thiện lập chương trình phát triển đô thị, tiếp tục xây dựng đề án phân loại đô thị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thành lập thị trấn Quỳnh Nhai, huyện đang triển khai bước lập đồ án quy hoạch chung đô thị. Như vậy, sau sắp xếp số lượng đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh sẽ giảm 4 đơn vị (gồm 2 xã của huyện Phù Yên, 1 xã của huyện Yên Châu, 1 xã của huyện Thuận Châu); còn lại 200 đơn vị hành chính cấp xã.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Chi bộ, Tiểu khu trưởng tiểu khu 7, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, cho biết: Sắp tới sáp nhập một phần diện tích xã Chiềng Ly, Phổng Lăng vào thị trấn, nhân dân trên địa bàn rất đồng thuận với chủ trương. Sau sáp nhập, quy mô diện tích, số dân tăng lên, địa bàn mở rộng, mong muốn có thêm nhiều cơ hội, nguồn lực để phát triển.
Đúng lộ trình, mục tiêu
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, thời điểm này các địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, lấy ý kiến cử tri; tiếp tục triển khai các bước theo quy định. Tuy nhiên, quá trình triển khai có những khó khăn đặt ra, như: việc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị, một số tiêu chí của loại đô thị khó đạt, như: Tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, mật độ dân số… Hoặc yêu cầu đặt ra, các huyện phải hoàn thiện, được cấp có thẩm quyền phê duyệt các đồ án quy hoạch, đề án phân loại đô thị trước khi xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ngoài ra, việc thực hiện sắp xếp, điều chỉnh đơn vị hành chính; thành lập, nâng cấp, mở rộng thị trấn chưa đồng đều. Tiến độ một số huyện còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng phương án, đề án chung của toàn tỉnh. Cùng với đó là việc dôi dư cán bộ sau sáp nhập...
Giải quyết những khó khăn, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thông tin: UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các huyện rà soát, đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh hoàn thiện các quy hoạch có liên quan, đảm bảo việc sắp xếp đơn vị hành chính phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; tập trung xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.
Sắp xếp tổ chức bộ máy, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát cán bộ, công chức đủ điều kiện, có nguyện vọng tiếp tục công tác, bố trí đảm nhiệm các vị trí ở đơn vị hành chính mới. Ưu tiên sắp xếp cán bộ, công chức tại chỗ, luân chuyển công chức đến xã còn thiếu trong huyện hoặc điều động về cơ quan chuyên môn của huyện đúng quy định. Với những cán bộ, công chức dôi dư không đủ tuổi tái cử, không đủ điều kiện phải nghỉ hoặc nghỉ theo nguyện vọng cá nhân được tạo điều kiện thuận lợi nhất nghỉ chế độ theo quy định...
Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án tổng thể và trình Bộ Nội vụ thẩm định trong tháng 10/2023. Sau khi được Bộ Nội vụ thẩm định phương án, tỉnh xây dựng đề án chi tiết; phấn đấu hoàn thiện, trình Bộ Nội vụ và Chính phủ trong quý III/2024.
Để tiếp tục đạt được mục tiêu của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, ngày 29/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh khẩn trương ban hành kế hoạch, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, trình Bộ Nội vụ đảm bảo thời hạn theo quy định.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì thẩm định phương án, đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chủ trì, phối hợp hướng dẫn các huyện ủy, thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lộ trình bố trí, sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư tại các xã, phường, thị trấn sau sắp xếp, sáp nhập.
Ban Thường vụ các huyện ủy trong diện sắp xếp, tập trung lãnh đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả phương án, đề án, kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định, lộ trình, thời gian đề ra; làm tốt tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương; thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng lộ trình đề ra; góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương; thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân.