Lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước ra sao?
Hiện nay, hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, nước mưa và nước thải sinh hoạt vẫn sử dụng chung một đường cống dẫn đến quá tải khi có mưa lớn xảy ra. Trước thực trạng này, việc xác định chi phí và ban hành lộ trình giá dịch vụ thoát nước là tất yếu, điều này không chỉ giúp làm tăng nguồn thu giúp 'hoàn thiện' hạ tầng thoát nước, mà còn tăng trách nhiệm, nâng cao ý thức của người dân với vấn đề sử dụng nước.
Xuất phát từ nhu cầu
Có thể khẳng định, hệ thống thoát nước của thành phố Hà Nội là hệ thống xây dựng qua nhiều thời kỳ, mới cũ đan xen. Đây là hệ thống thoát nước chung nước thải và nước mưa được gom vào cùng một hệ thống. Những năm qua, bằng cách huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau, Hà Nội đã đầu tư cho công tác phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải, công suất trên 270.000 m3/ngày đêm, xử lý được 22% lượng nước xả thải, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Số còn lại đang xả thẳng ra hệ thống thoát nước chung, sông, hồ và môi trường xung quanh.
Nước thải không qua xử lý mang theo nhiều tạp chất làm ô nhiễm nguồn nước, tắc hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 3, Thông tư 13/2018/TT-BXD ngày 27/12/2018, nước thải do hộ thoát nước (trừ nước thải hộ gia đình) tùy theo hàm lượng chất gây ô nhiễm, giá dịch vụ thoát nước được nhân thêm hệ số K. Tuy nhiên hiện nay không đủ điều kiện xác định theo hàm lượng chất gây ô nhiễm của nước thải với từng đối tượng xả thải. Vì thế, giá dịch vụ thoát nước trong 5 năm qua tức là từ năm 2014 đến 2018 cũng đã cõng thêm toàn bộ chi phí thu gom, nạo vét hệ thống thoát nước và 20% chi phí xử lý lượng nước thải, là 6.725 đồng/m3.
Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện mức thu từ người sử dụng dịch vụ còn thấp (bằng 10% khối lượng nước sạch tiêu thụ theo hóa đơn tiền nước), ngân sách nhà nước vẫn là nguồn chi chính cho vận hành hệ thống thoát nước. Do khó khăn về ngân sách, kinh phí trong thời gian qua không đủ cải thiện, mở rộng dịch vụ thoát nước...
Trong khi đó, để huy động các nguồn vốn cho đầu tư, vận hành hệ thống thoát nước, nâng cao dịch vụ thoát nước đô thị, giảm ô nhiễm môi trường, cần áp dụng chính sách chia sẻ chi phí thông qua giá dịch vụ thoát nước. Vấn đề là cần triển khai thế nào để bảo đảm đơn vị vận hành hệ thống thoát nước có nguồn thu, chủ động trang trải các hoạt động quản lý vận hành, giảm dần trợ cấp từ ngân sách; vừa bảo đảm khả năng thanh toán của người sử dụng dịch vụ, đồng thời tăng trách nhiệm của người xả thải đối với việc sử dụng nước.
Từ các nguyên nhân trên, để phù hợp với thực tế công tác thoát nước và xử lý nước thải, liên ngành Sở Xây dựng và Sở Tài chính đã xây dựng đề án xác định giá dịch vụ thoát nước với giả thiết toàn bộ nước thải được thu gom, xử lý, không áp dụng hệ số K đối với khối lượng nước thải do hộ thoát nước (trừ nước thải hộ gia đình) thải ra.
Phù hợp với nhu cầu
Thực tế, việc xây dựng giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết, phù hợp với các quy định hiện hành và chủ trương xã hội hóa đầu tư xử lý thoát nước. Từ đó, khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong nhân dân, tạo nguồn lực đầu tư cho hoạt động thoát nước và bảo vệ môi trường. Để hoàn thành đề án xây dựng giá dịch vụ thoát nước, liên ngành đã đánh giá việc quản lý thu, chi và nộp ngân sách phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; chi phí đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước hằng năm; tổng hợp ý kiến đóng góp của các sở, ngành, quận, huyện..., từ đó đề xuất mức thu, lộ trình áp dụng.
Lộ trình giá dịch vụ thoát nước/giá bán nước sạch: Đối với hộ dân tiêu thụ nước hằng tháng ≤ 30m3: Mức thu hiện nay (10%) tương đương 597 - 867 đồng/m3, năm 2019 (25%) là 1.493 - 2.167 đồng/m3, năm 2020 (30%) là 1.792 - 2.601 đồng/m3, năm 2021 - 2023 (40%) là 2.389 - 3.468 đồng/m3. Hộ dân tiêu thụ nước hằng tháng >30m3, cơ quan sự nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh: Mức thu hiện nay (10%) là 1.593 - 2.207đồng/m3, năm 2019 (35%) là 5.575 - 7.724 đồng/m3, năm 2020 (40%) là 6.372 - 8.827đồng/m3, năm 2021 - 2023 (50%) là 7.965 -1.034 đồng/m3.
Dựa vào thực tế đó cũng như trên cơ sở khảo sát, lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp, Liên ngành đề xuất phương án thu giá dịch vụ thoát nước đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xả thải nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Cụ thể, mức khởi điểm từ năm 2019 là 20% của giá nước sạch đối với đối tượng nước phục vụ sinh hoạt có mức tiêu thụ nước hàng tháng dưới 30m3; 30% đối với hộ dân có mức tiêu thụ nước hàng tháng trên 30m3 và cơ quan sự nghiệp, công cộng, đơn vị sản xuất vật chất, kinh doanh.
Lộ trình mức thu này sẽ tăng trung bình 5% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2023. Địa bàn thực hiện thu giá dịch vụ gồm 12 Quận và 9 Phường thuộc thị xã Sơn Tây. Như vậy, với mức thu đề xuất như trên, đối với các hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3/tháng sẽ phải trả từ 11.283 đồng/tháng/hộ (năm 2019) đến 22.566 đồng/ tháng/hộ (năm 2023). Đối với hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt từ 30m3/tháng trở lên, mức chi trả từ 95.202 đồng/hộ/tháng (năm 2019) đến 172.774 đồng/hộ/tháng (năm 2023).
Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, việc xây dựng giá dịch vụ thoát nước sẽ khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong nhân dân, tạo nguồn lực đầu tư cho hoạt động thoát nước và bảo vệ môi trường. Qua các lần điều tra cho thấy, người dân đã hiểu rõ hơn sự cần thiết trong việc thu giá dịch vụ thoát nước.
Ngoài bù đắp chi phí ngân sách phải chi xử lý nước thải, việc thu giá dịch vụ thoát nước còn tác động vào ý thức bảo vệ môi trường, ý thức trong việc sử dụng nhiều nước thì chịu nhiều chi phí xử lý thoát nước. Do hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, nên mức giá được đề xuất cơ bản phù hợp với thực tế công tác thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn. Lộ trình đến năm 2020 mức thu này cũng chỉ đủ chi phí cho việc duy tu, duy trì hệ thống thoát nước.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lo-trinh-thu-gia-dich-vu-thoat-nuoc-ra-sao-101447.html