Lỡ trộm cá sông, người đàn ông phải xin cả làng tha tội
Bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) có quy ước không ai được đánh bắt cá trên đoạn sông 3km để bảo vệ các loài cá tự nhiên.
Bản Ngàm nằm biệt lập bên bờ sông Luồng, có 75 hộ người dân tộc Thái sinh sống. Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề đi rừng và bắt cá dưới sông tràn lan khiến các sinh vật nơi đây gần như cạn kiệt.
Nhận thấy việc đánh bắt kiểu “tận diệt” như vậy sẽ không còn con tôm, con cá. Từ ý nghĩ làm sao để bảo vệ được đàn cá sinh trưởng, phát triển thuận tự nhiên, hội đồng già làng đã triệu tập toàn bộ dân bản lại để họp, lấy ý kiến về việc bảo vệ đàn cá sông.
Anh Lương Văn Duẩn, Trưởng bản Ngàm kể lại: "Khi đưa ra ý kiến, tất cả người dân trong bản đều ủng hộ. Từ đó, bản làng có một quy ước riêng là không ai được đánh bắt cá trên đoạn sông 3km, nếu vi phạm sẽ bị làng phạt”.
Cũng theo anh Duẩn, quy ước là vậy, nhưng thời gian đầu một số người vẫn có thói quen đi rừng về rồi lấy lưới xuống sông đánh cá. Qua những lần nhắc nhở, họ cũng đã nghiêm túc thực hiện. Bây giờ, tất cả người dân chỉ đánh bắt cá ở khu vực ngoài phạm vi bảo vệ.
“Một phần do người dân đánh bắt ở khu vực ngoài nên cá dồn hết vào vùng bảo vệ. Cá về đây trú ngụ và sinh sản nhiều”, anh Duẩn nói.
Bắt trộm cá sẽ bị làng “tẩy chay”
Theo lời kể của vị Trưởng bản, thời gian đầu cũng có người “vượt rào” ra sông bắt trộm cá. Khi bị bắt quả tang, người này đã bị phạt tiền theo quy ước là 500.000 đồng.
“Nếu còn tái diễn, làng sẽ họp lại và tuyên bố nhà người vi phạm có người ốm đau, ma chay, cưới hỏi… không ai trong làng đến nữa”, anh Duẩn cho biết.
Anh Duẩn kể tiếp cho chúng tôi nghe về trường hợp người dân tên T. kéo trộm cá bị bắt quả tang.
Ban đầu anh này chối tội và không chịu phạt tiền theo lệ làng. Đến khi làng họp lại, thống nhất sẽ “tẩy chay” thì người này mới chịu nhận và xin làng tha tội. Từ đó, không còn ai dám đánh bắt cá trên đoạn sông cấm nữa.
Theo quy ước của làng, hiện nay chỉ có ngày lễ, ngày Tết thì mới tổ chức đánh bắt cá về ăn chung và chia đều cho từng hộ. Bà con chỉ dùng dụng cụ đánh bắt thô sơ như chài, lưới. Các hình thức đánh bắt hủy diệt như kích điện hay nổ mìn đều bị cấm.
Anh Duẩn cho biết thêm: “Mỗi lần đánh bắt đều được rất nhiều, có khi được hơn một tạ với đủ các loại như cá mài, cá dốc, cá trôi, cá chép, cá lăng… Người dân chỉ thu về cá lớn, còn cá bé đều được thả lại sông”.
Từ khi có quy ước, đoạn sông này có rất nhiều cá, UBND xã và bản đã thống nhất phát triển nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng. Du khách đến đây sẽ được ăn ở, sinh hoạt cùng với người dân địa phương. Đặc biệt, sẽ được trải nghiệm đánh bắt cá bằng lưới, đi bè luồng đánh cá trên sông.
Cá sẽ được tính theo cân, tiền thu được sẽ sung vào là quỹ làng.
Do sinh sống trong môi trường tự nhiên, nên cá trên sông Luồng rất ngon, thịt dai và chắc. Món cá nướng, chả cá hay cá nộm hoa chuối được coi là đặc sản của đồng bào Thái ở bản Ngàm, du khách rất thích thú.
Năm qua, bản Ngàm đã đón được cả nghìn lượt khách đến với địa phương, tạo nên nguồn thu nhập cho người dân. Từ đó, bản làng đã thống nhất kéo dài phạm vi quy ước bảo vệ đàn cá trên sông từ 3km lên 4km.