Loại bỏ các phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường

Việt Nam cho phép doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu từ các nước phát triển về làm nguyên liệu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của người dân, đòi hỏi cần sớm có cơ chế quản lý việc nhập khẩu phế liệu.

Cơ quan chức năng kiểm tra phế liệu nhập khẩu tại cảng Tiên Sa (TP Ðà Nẵng). Ảnh: TÙNG LÊ

Cơ quan chức năng kiểm tra phế liệu nhập khẩu tại cảng Tiên Sa (TP Ðà Nẵng). Ảnh: TÙNG LÊ

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, cũng như tăng cường công tác quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/2014/QÐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, có 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt sẽ tạo ra nguy cơ nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân và môi trường.

Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết: Trong những năm qua, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất chủ yếu là thép, giấy, nhựa… đang có xu hướng tăng mạnh. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp hai lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016, trong đó, phế liệu sắt, thép, nhựa có khối lượng tăng gấp từ hai đến ba lần. Riêng trong năm tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng gấp gần hai lần so với cả năm 2017… Việc tăng đột biến như trên, một mặt là do nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, dẫn đến doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu phế liệu để phục vụ sản xuất. Mặt khác, hiện nay, một số quốc gia (là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới) đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu một số phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất, dẫn đến thời gian gần đây, một lượng lớn phế liệu, chất thải rắn tìm cách nhập về các nước Ðông - Nam Á (vẫn đang cho phép nhập khẩu phế liệu) như: Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái-lan. Tại thời điểm này, lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng lên tới hơn 5.000 công-ten-nơ. Việc tồn đọng các công-ten-nơ phế liệu nhập khẩu không chỉ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cảng, mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tại khu vực này.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu tràn lan chất thải vào Việt Nam, tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng dư thừa xỉ hạt lò cao, thạch cao nhân tạo phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và kim loại; một số loại phế liệu như nhựa và giấy chưa phân loại, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường… Thực tế đó đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý nhập khẩu phế liệu, nhất là sớm loại bỏ những loại có nguy cơ cao ra ngoài danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường, tác động không tốt đến sức khỏe người dân...

Nhằm tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa đối với hoạt động xuất, nhập khẩu phế liệu, loại bỏ nguy cơ biến Việt Nam trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp tiến hành rà soát, sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Quyết định số 73/2014/QÐ-TTg. Theo đó, sẽ thắt chặt, loại bỏ những loại, mã phế liệu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; loại bỏ những phế liệu không được, hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước như: xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt, thép; giấy loại, hoặc bìa thu hồi (phế liệu và vụn thừa); thạch cao; phế liệu và mẩu vụn plastic (nhựa)… Ðây là những loại phế liệu thường được sử dụng để tái chế thành các sản phẩm có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Việc bỏ khỏi danh mục được phép nhập khẩu một số loại phế liệu cũng góp phần khuyến khích, đẩy mạnh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ than, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37287102-loai-bo-cac-phe-lieu-nhap-khau-gay-o-nhiem-moi-truong.html