Loại bỏ các sản phẩm âm nhạc độc hại

Sự xuất hiện của một số ca khúc nhạc Rap có nội dung thô tục, phản cảm trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian gần đây đang khiến dư luận bức xúc. Hiện tượng 'nhạc rác' này không mới, nhưng ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ tác động tiêu cực đến nhận thức của người nghe, nhất là giới trẻ. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý để sớm chấm dứt, loại bỏ loại sản phẩm âm nhạc độc hại này.

Rapper “Chị Cả” trên một poster quảng cáo cho chương trình gameshow về rap.

Rapper “Chị Cả” trên một poster quảng cáo cho chương trình gameshow về rap.

Gần đây, các ca khúc nhạc Rap (viết tắt của Rhythm and Poetry - nhịp điệu và thơ ca) đang bùng nổ với rất nhiều tác phẩm chiếm vị trí hàng đầu tại các bảng xếp hạng âm nhạc, những MV (music video) dẫn đầu top trending (thịnh hành) trên một số trang nghe nhạc trực tuyến và các nền tảng mạng xã hội, nhất là YouTube và TikTok. Từ khu vực nhạc underground (không chính thống), Rap đã thu hút lượng lớn khán giả với một số tác phẩm phóng khoáng, có yếu tố lạ. Nhưng cũng từ đây xuất hiện không ít tác phẩm có ca từ phản cảm, dung tục, nội dung độc hại, cổ vũ lối sống lệch lạc...

Vì thế thời gian qua, báo chí rất nhiều lần phê phán hiện tượng phản văn hóa này. Thí dụ, tháng 10/2021, video nhạc Rap mang tên Thích ca mâu chí do một số thành viên nhóm Rap Nhà Làm thực hiện, khiến dư luận bức xúc bởi ca khúc có nội dung xuyên tạc tôn giáo, ca từ và hình ảnh phản cảm, dung tục. Cũng liên quan đến tôn giáo, rapper Wowy từng có bản Buddha (dirty) bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhắc tên vì có nội dung xúc phạm Đức Phật và đạo Phật.

Trước đó, rapper Chị cả đã khiến người xem phản ứng gay gắt khi phát tán ca khúc Censored, trong đó có một đoạn ám chỉ quan hệ loạn luân. Không chỉ thế, nội dung, ca từ của ca khúc này cũng không phù hợp với đại chúng. Rất nhiều người nghe cũng phản ứng dữ dội với MV Cypher nhà làm thực hiện bởi Low G, Teddie J, Chí, ResQ vì chứa yếu tố tình dục lộ liễu, ca từ tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục; với ca khúc Mẩy thật Mẩy của Big Dady, Hâm nóng của Emily với cảnh quay khoe thân thể… Ngoài ra, Binz - một rapper của cộng đồng underground, đã bị phê phán kịch liệt khi phát hành ca khúc Thôi anh không chơi, vì ca từ và hình ảnh trong MV là một thế giới tràn ngập rượu, ma túy và tình dục, cổ súy lối sống tự do, phóng khoáng quá đà…

Chưa kể, để khẳng định cái tôi, một số bài còn trở thành công cụ để các rapper chửi bới, lăng mạ, công kích nhau trong các "trận rap chiến". Dư luận cũng đã nhiều lần thẳng thắn chỉ rõ các ca khúc được cho là thuộc khu vực nhạc underground, gắn mác 16+, 18+ với ca từ phản cảm, dung tục, nội dung cổ súy yếu tố thiếu lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục. Đáng buồn là nhiều bài trong số này vẫn được nhiều người lựa chọn nghe, thậm chí lọt top trending trên nền tảng YouTube, TikTok và có độ viral (lan tỏa) lớn.

Không thể phủ nhận Rap là thứ âm nhạc được yêu thích chính bởi sự phóng khoáng, mới lạ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là phải chấp nhận sự lệch lạc, dung tục, phản cảm. Khi tiếp nhận ca khúc có nội dung thô tục, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất vì nhận thức chưa đầy đủ, dẫn đến suy nghĩ và hành vi lệch lạc.

Thậm chí, những ca khúc có nội dung trái thuần phong mỹ tục còn làm thay đổi quan điểm và giá trị đạo đức của nhiều người trẻ. Điển hình như bài hát Thôi anh không chơi của Binz được không ít người coi như là "bài hát truyền thống" của "dân bay", vì họ cảm thấy có phần hãnh diện khi "thú vui thời thượng" của họ hiện diện trong bài hát do "ngôi sao" của giới underground thể hiện. Điều này ít nhiều tạo nên tình trạng ngộ nhận với người chưa đủ trưởng thành, từ đó dễ a dua, "trang bị" cho mình các "thú vui thời thượng". Nguy hiểm hơn, ca khúc thô tục còn là tác nhân kích thích cảm xúc tiêu cực, cổ súy cho lối sống tự do, buông thả.

Một trong các nguyên nhân để hiện tượng "nhạc rác" phổ biến, được quan tâm là sự nở rộ của mạng xã hội; sự dễ dàng trong phát hành sản phẩm, lỗ hổng trong quản lý. Trước đây, để phát hành một ca khúc, nghệ sĩ phải nộp hồ sơ lên hội đồng xét duyệt, cấp giấy phép rồi mới được phổ biến tới công chúng. Còn hiện tại, cá nhân nào cũng có thể tự do thu âm, sản xuất MV và phát hành trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube. Đó là các nền tảng xuyên biên giới, khó quản lý và thiếu sự kiểm duyệt về nội dung. Và kiểm duyệt thường xảy ra sau khi ca khúc đã phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe cũng khiến không ít ca sĩ bất chấp các quy định.

Một nguyên nhân khác là người dùng mạng xã hội phần lớn là giới trẻ - đối tượng thích thử những "trend" độc lạ nhưng chưa đủ kiến thức, nhận thức để phân biệt ranh giới giữa nghệ thuật với sự dung tục. Và đã có sự ngộ nhận về sáng tạo, khi một số tác giả âm nhạc trẻ biện hộ rằng họ tiếp nhận, chịu ảnh hưởng từ trào lưu âm nhạc Âu - Mỹ.

Sự ra đời, tồn tại của ca khúc có nội dung, ca từ dung tục, lệch lạc phần nào phản ánh cái nhìn sai lệch của một bộ phận giới trẻ, không ý thức được bản thân (kể cả người làm nhạc và người nghe nhạc)… Vì thế, cần kiên quyết loại bỏ loại ca khúc này, để âm nhạc thật sự được tồn tại như vốn có là đẹp từ giai điệu, nội dung đến ca từ. Trước hết, cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan quản lý trong việc siết chặt hoạt động phổ biến, phát tán sản phẩm âm nhạc lên các nền tảng mạng xã hội; thực hiện nghiêm quy định hiện hành về xử phạt vi phạm. Như Điều 3, Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, gồm: "1. Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 2. Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 3. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại. 4. Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội".

Nếu vi phạm những điều khoản cấm ở Điều 3 sẽ bị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 13, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cũng đã nêu rất rõ hình thức xử phạt. Cụ thể: quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng, tâm lý xã hội.

Hơn nữa, về lâu dài, những vi phạm này cần có chế tài quản lý chặt chẽ, rõ ràng hơn bằng cách luật hóa để tăng khả năng răn đe cũng như tránh ảnh hưởng đến công chúng và các nghệ sĩ chân chính. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các nền tảng xuyên biên giới, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm "nhạc rác", có nội dung độc hại; đưa ra biện pháp tiền kiểm thay vì hậu kiểm, tránh tình trạng chỉ tới khi phát hiện sản phẩm không phù hợp và dư luận bức xúc mới đưa ra hình thức xử phạt; có hình thức xử lý mạnh tay và kiên quyết khi người dùng báo cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng…

Cùng với biện pháp cần thiết của cơ quan quản lý, công chúng cũng chính là người giám sát hiệu quả nhất. Bởi thế, công chúng cần tự trang bị "bộ lọc" cần thiết cho bản thân bằng cách lựa chọn ca khúc lành mạnh; có thái độ dứt khoát tẩy chay, không chấp nhận sản phẩm âm nhạc "lỗi", ca từ cổ vũ lối sống lệch lạc lại trở thành bình thường trong sinh hoạt âm nhạc đại chúng.

Đối với các nghệ sĩ cần luôn xác định trào lưu âm nhạc thời thượng nào rồi cũng sẽ lụi tàn theo thời gian, song hình ảnh "không sạch" khi làm nghệ thuật sẽ bám theo nghệ sĩ suốt sự nghiệp. Vì thế, quan trọng nhất vẫn là mỗi nghệ sĩ cần tự trau dồi, nỗ lực, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm âm nhạc, uy tín âm nhạc của mình, không chiều theo thị hiếu tiêu cực dễ dãi.

Tiếp nhận, học hỏi các nền âm nhạc trên thế giới là cần thiết nhưng phải có sự chọn lọc, bảo đảm thích ứng, phát triển nhưng phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc, không thể hễ thấy bên ngoài làm thế nào là làm theo thế đó. Chúng ta không kỳ thị, ngăn cấm, nhưng cần tiếp nhận, biến đổi Rap một cách lành mạnh, phù hợp chuẩn mực văn hóa xã hội, thuần phong mỹ tục. Nói cách khác, cần sáng tạo trên nguyên tắc sản phẩm âm nhạc được đưa ra phải luôn mang lại ý nghĩa tích cực cho đời sống và công chúng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/loai-bo-cac-san-pham-am-nhac-doc-hai-671135/