Loại bỏ nguy cơ mất an toàn trong khai thác than hầm lò

Mặc dù đã siết chặt công tác quản lý cũng như đầu tư rất nhiều cho cơ giới hóa trong khai thác và an toàn lao động nhưng ngành than vẫn không tránh khỏi những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Việc thành lập các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đã giúp cắt giảm tới 20% lao động trực tiếp so với lò chợ thông thường. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Việc thành lập các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đã giúp cắt giảm tới 20% lao động trực tiếp so với lò chợ thông thường. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đặc biệt, đêm hôm qua (29/7) đã xảy ra vụ tai nạn hầm lò khiến 5 công nhân tử vong tại Công ty than Hòn Gai – TKV, tỉnh Quảng Ninh. Ngay khi nhận được thông tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 74/CĐ-TTg ngày 30/7/2024 chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn tương tự.

*Vẫn xảy ra tai nạn

Vào lúc 22 giờ 10 phút ngày 29/7, tại Công ty than Hòn Gai- TKV, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra vụ tai nạn hầm lò nghiêm trọng, đáng tiếc làm tủ vong 5 công nhân. Nguyên nhân ban đầu được xác định do than, đất đá trong hầm lò bất ngờ sụt lở.

Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân người bị nạn; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TKV chỉ đạo công tác cứu hộ vụ tai nạn hầm lò tại Công ty than Hòn Gai – TKV. ẢNh: TKV cung cấp

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và TKV chỉ đạo công tác cứu hộ vụ tai nạn hầm lò tại Công ty than Hòn Gai – TKV. ẢNh: TKV cung cấp

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch, Tổng giám đốc TKV khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả của vụ tai nạn, kịp thời hỗ trợ vật chất, tinh thần cho gia đình người bị nạn và thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người bị nạn theo quy định.

Cùng đó, chủ động rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, vận hành hầm lò trong các đơn vị thuộc Tập đoàn, kịp thời khắc phục các hạn chế; quá trình khai thác cần chú trọng công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thay đổi các kết cấu các vỉa than, hầm lò để có giải pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra các vụ việc tai nạn lao động, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động trong hoạt động khai thác than.

TKV ban đầu đã hỗ trợ 20 triệu đồng/người tử vong; Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 20 triệu đồng/người tử vong. Công ty Than Hòn Gai giải quyết các chế độ theo quy định của Nhà nước; thu xếp chi phí hậu sự cho công nhân và hỗ trợ gia đình công nhân với mức ban đầu 100 triệu/gia đình.

Trước đó, ngày 13/5 tại Công ty Than Quang Hanh - TKV cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 3 công nhân tử vong và 1 công nhân bị thương. Nguyên nhân được xác định là do đá vách trực tiếp bị sập đổ đột ngột trong lúc các công nhân đang làm việc, làm xô dạt một số giá chống.

Khai thác than cám ở lò chợ tại độ sâu 175 mét. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Khai thác than cám ở lò chợ tại độ sâu 175 mét. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Từ đầu năm đến nay, ngành than đã xảy ra 3 vụ tai nạn lao động hầm lò và có công nhân tử vong. TKV cho biết: Dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong đảm bảo an toàn lao động cho công nhân, nhưng tại các đơn vị của ngành vẫn xảy tai nạn lao động đáng tiếc. Do đó, công tác an toàn lao động đang được lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động.

Theo đó, TKV đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt và triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn lao động và một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. TKV và các đơn vị thành viên đã đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, đi lại cho công nhân lao động, nhất là khối sản xuất hầm lò. Đồng thời, đầu tư nguồn lực rất nhiều cho công tác an toàn vệ sinh lao động.

Việc thành lập các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đã giúp cắt giảm tới 20% lao động trực tiếp so với lò chợ thông thường, góp phần giảm thiểu rủi ro trong lao động. Đồng thời, TKV đặc biệt quan tâm, yêu cầu các đơn vị siết chặt mọi quy trình sản xuất, nhất là khâu thông gió, kiểm soát khí mỏ.

Đến nay, 100% đơn vị khai thác than hầm lò đều đã lắp đặt, đưa hệ thống giám sát khí mỏ tập trung tự động vào hoạt động. Hệ thống này liên tục cập nhật thông số, dữ liệu khí mỏ truyền về trung tâm điều hành sản xuất tập trung giúp các đơn vị kiểm soát thông số nhanh, chính xác, an toàn...

*Loại bỏ nguy cơ mất an toàn

Lãnh đạo TKV cho hay, để loại bỏ những nguy cơ mất an toàn lao động, tất cả các đơn vị sản xuất than hầm lò của TKV đang tăng cường thực hiện công tác thông gió và các giải pháp kiểm soát khí mỏ, phòng ngừa than tự cháy tại các mỏ hầm lò.

Cùng đó, trang bị lắp đặt đủ các đầu đo gió, đo khí, hệ thống quan trắc kiểm soát khí mỏ cho các đối tượng ở mỏ hầm lò; trang bị và thực hiện nghiêm công tác đo kiểm soát bằng máy đo khí cầm tay.

TKV cũng yêu cầu các đơn vị duy trì quy trình phải đảm bảo có người chỉ huy dẫn công nhân vào lò, kiểm soát khí trước, trong ca sản xuất theo quy định. Công tác kiểm soát phòng ngừa than tự cháy lắp đặt đầy đủ hệ thống đường ống bơm khí nitơ, ống kiểm soát nhiệt, kiểm soát khí…

Với mục tiêu “An toàn – Phát triển – Hiệu quả”, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Việt Nam - TKV không ngừng đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, cơ cấu tổ chức lao động gọn nhẹ, hợp lý, nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Với mục tiêu “An toàn – Phát triển – Hiệu quả”, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng Việt Nam - TKV không ngừng đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ, cơ cấu tổ chức lao động gọn nhẹ, hợp lý, nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Đi đôi với đầu tư công nghệ hiện đại, ngành than cũng tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục về chính sách, pháp luật, nâng cao ý thức tự chủ an toàn của người lao động và người sử dụng lao động; nâng cao năng lực công tác và kỹ năng làm việc cho cán bộ làm công tác an toàn; thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định, hồ sơ quản lý kỹ thuật an toàn; rà soát bổ sung phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, thiên tai…

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành than, trong khi điều kiện khai thác mỏ than hầm lò ngày càng xuống sâu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, chi phí sản xuất tăng; đồng thời, thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thời gian tới, ngành than tiếp tục hoàn thiện công nghệ và tổ chức đào chống lò theo hướng cơ giới hóa áp dụng cho các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh. Từ đó, nâng cao tốc độ đào lò, năng suất lao động, đảm bảo an toàn, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững ngành than.

Cùng đó, các đơn vị ngành than cải tạo những mỏ cũ và xây dựng một số mỏ mới theo hướng tăng sản lượng, hiệu quả khai thác; áp dụng công nghệ tự động hóa, “lò chợ không người” vào các gương lò chợ ngắn. Ngoài ra, kiểm tra giám sát về thực hiện an toàn bảo hộ lao động; tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị tự động hóa để phòng ngừa hiểm họa xảy ra trong khai thác mỏ hầm lò.

Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loai-bo-nguy-co-mat-an-toan-trong-khai-thac-than-ham-lo/342087.html