Loại bỏ những kiểm toán viên nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận có tình trạng kiểm toán viên nhũng nhiễu, tiêu cực trong kiểm toán. 'Đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, chúng tôi kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ chuẩn mực, đạo đức công vụ người kiểm toán', Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Sáng 5-6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực kiểm toán.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Thống đốc NHNNVN Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn, sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong và Thống đốc NHNNVN Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn, sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu (ĐB) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, đâu đó vẫn còn hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên, khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh chia chác để bỏ qua sai phạm theo phương châm "đôi bên cùng có lợi”. ĐB chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá ý kiến này thế nào và có cần xây dựng cơ chế thanh tra, giám sát độc lập thường xuyên của kiểm toán?

Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn năng lực chuyên môn của một số kiểm toán viên chưa đáp ứng được nhiệm vụ, chưa khách quan, bỏ sót lỗi của đối tượng kiểm toán.

 Thường trực Ban Bí thư Lương Cường trao đổi với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại phiên chất vấn, sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường trao đổi với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tại phiên chất vấn, sáng 5-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời ĐB, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận, có tình trạng kiểm toán viên nhũng nhiễu, tiêu cực trong kiểm toán. “Đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ chuẩn mực, đạo đức công vụ người kiểm toán”, ông Ngô Văn Tuấn cam kết.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng tiêu cực của những cá nhân trong thực thi công vụ. Đồng thời kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp này.

Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An không thuộc diện kiểm toán

ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) và ĐB Hà Đức Minh (Lào Cai) cùng chất vấn trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. ĐB đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước lý giải vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục vấn đề này trong thời gian tới?

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai dự phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai dự phiên chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm (2019-2023), Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán và đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm, tiến hành kiểm toán chủ đầu tư và ban quản lý dự án. Trên cơ sở hồ sơ tài liệu cung cấp, kiểm toán tiến hành thu thập phục vụ cho kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán độc lập sẽ xem xét về chấp hành quy định pháp luật, hồ sơ thầu, chấm thầu và ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán phát hiện có vi phạm sẽ kiến nghị xử lý.

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Thời gian qua, có một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu, cụ thể như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu. Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, 2 tập đoàn này là doanh nghiệp, không có vốn Nhà nước nên không thuộc diện được kiểm toán. Tuy nhiên, xét về đơn vị có liên quan thì chỉ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công với tư cách nhà thầu. Do vậy, kiểm toán chỉ thực hiện ở chủ đầu tư.

Liên quan đến thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, các cơ quan rất quan tâm việc này, đặc biệt là Quốc hội thực hiện giám sát tối cao. Tiến độ, ý thức chấp hành cao hơn, tuy nhiên vẫn còn hơn 6.000 đến 7.000 kết luận, kiến nghị chậm triển khai thực hiện. “Ý thức trách nhiệm chưa cao, ngoài ra còn nguyên nhân đơn vị có khó khăn, có đơn vị giải thể phá sản”, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. Ảnh: QUANG PHÚC

Về thực hiện phòng chống tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết việc này rất quan trọng và đặc biệt quan tâm. Những hành vi cấm trong thực hiện kiểm toán được giáo dục tư tưởng kịp thời.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian tới siết chặt quy trình kiểm toán, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đề cao vai trò người đứng đầu, nhất là tổ trưởng tổ kiểm toán, phát huy vai trò thanh tra nhà nước; xử lý nghiêm những hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; phối hợp ký quy chế với các đơn vị để giám sát đoàn kiểm toán.

Về trách nhiệm Kiểm toán Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với báo cáo kiểm toán cần làm rõ trách nhiệm tùy theo mức vi phạm để xử lý hình sự hay hành chính. “Làm rõ trách nhiệm của ai thì xử lý, trách nhiệm tập thể xử lý tập thể, trách nhiệm cá nhân thì xử lý cá nhân. Trong 3 năm qua, ở Kiểm toán Nhà nước chưa có trường hợp nào bị xử lý”, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loai-bo-nhung-kiem-toan-vien-nhung-nhieu-tieu-cuc-trong-hoat-dong-kiem-toan-post743099.html