Loại bỏ 'quân xanh, quân đỏ' trong đấu giá tài sản

Bộ Tư pháp vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022. Đáng quan tâm, báo cáo chuyên đề về một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp cho biết, tình trạng 'thông đồng, dìm giá', 'quân xanh, quân đỏ', 'cò mồi, đe dọa, cưỡng ép' xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an.

Nhiều cuộc đấu giá có vi phạm đã kịp dừng, hủy

Năm 2021, Bộ Tư pháp đã thường xuyên quan tâm hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo các địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đấu giá. Trong đó, chú trọng kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các địa phương mà qua thông tin quản lý, báo chí phản ánh có nhiều dấu hiệu vi phạm. Bộ Tư pháp cũng vận hành và sử dụng ổn định Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đến ngày 30/11/2021, đã có 19.925 thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, 106.071 thông báo về việc đấu giá tài sản được đăng tải và 185 kiến nghị phản ánh đến Bộ Tư pháp. Qua đó, góp phần công khai, minh bạch việc đấu giá tài sản, là kênh thông tin hữu hiệu để cơ quan quản lý tiếp nhận trực tiếp, kịp thời các phản ánh, kiến nghị về các vi phạm.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã có hơn 20 công văn đề nghị các Sở Tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và nhiều văn bản đề nghị người có tài sản, Sở Tư pháp các địa phương xem xét, làm rõ hành vi vi phạm.

Từ đề nghị của Bộ Tư pháp, nhiều cuộc đấu giá do có hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản đã kịp dừng, hủy như: Vụ đấu giá cây cao su ở Kon Tum; đấu giá quyền sử dụng đất tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ); đấu giá quyền cho thuê bãi giữ xe ở thành phố Cần Thơ; đấu giá tài sản thanh lý của Công ty điện lực tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình...

“Thực tiễn thời gian qua cho thấy ở địa phương nào có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của người có tài sản, sự vào cuộc, xử lý quyết liệt, kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan thì tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản Nhà nước được hạn chế tối đa”, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết.

Cụ thể như vụ đấu giá quyền sử dụng đất ở Thanh Hóa, sau 2 lần Ủy ban nhân dân tỉnh hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng. Hay trong vụ đấu giá tài sản của Vinashin ở Quảng Ninh, hành vi đe dọa, chèn ép đã được người có tài sản ngăn chặn kịp thời, tài sản của Nhà nước không bị thất thoát.

Tình trạng “cò”, đe dọa trong các vụ đấu giá đất ở Hà Nam cũng đã được cơ quan công an hỗ trợ và đảm bảo an ninh; vụ đấu giá đất tại thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắc Nông, vụ bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần Dệt Long An và các vụ đấu giá đất tại Nghệ An... cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng có hành vi thông đồng, dìm giá, băng nhóm đe dọa người tham gia đấu giá...

Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản công khai, minh bạch

Từ thực tiễn quản lý, Bộ Tư pháp cho biết, còn hạn chế, tồn tại trong đấu giá tài sản. Đó là tình trạng định giá tài sản, xác định giá khởi điểm tài sản để đấu giá còn chưa hợp lý, có sự chênh lệch lớn so với giá thị trường, thậm chí kết quả định giá của các tổ chức thẩm định giá đối với cùng một tài sản tại cùng một thời điểm còn chênh lệch nhau nhiều, đặc biệt là giá đất. Bên cạnh đó, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thực hiện đấu giá còn chưa khách quan, tình trạng “sân sau” còn phổ biến, thậm chí tổ chức đấu giá có hành vi vi phạm pháp luật vẫn được lựa chọn.

Đến tháng 11/2021, cả nước có hơn 1.000 đấu giá viên; gần 500 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 59/63 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành.

Tính từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 86.607 cuộc đấu giá thành, với tổng giá khởi điểm hơn 194.755 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành hơn 233.053 tỷ đồng, làm lợi cho người có tài sản, ngân sách Nhà nước hơn 38.185 tỷ đồng, nộp thuế cho ngân sách Nhà nước gần 100 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc, người có tài sản giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng” do đó, không kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Năng lực hoạt động của một số đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản còn hạn chế; còn có hiện tượng chạy theo lợi nhuận, “cạnh tranh” không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp...

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Bộ Tư pháp, có phần do hoạt động đấu giá tài sản chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành, địa phương.

Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản thực hiện, trong khi các yếu tố tiên quyết quyết định thành công của cuộc đấu giá như thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công…), thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau.

Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).

Bên cạnh đó, việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm quản lý tài sản trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với tài sản công của một số người có tài sản, cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm, nhận thức đúng và đầy đủ. Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn chưa thực hiện thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá đôi khi còn tình trạng “cả nể”, “nương tay”, tính răn đe chưa cao...

Để nâng cao hiệu lực quản lý hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, tạo cơ sở cho người có tài sản lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản một cách công khai, khách quan, minh bạch, góp phần hạn chế tình trạng “sân sau”, tiêu cực.

Đồng thời, tổ chức tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản và nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các hạn chế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là việc sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức đấu giá trực tuyến; tiếp tục tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản.../.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/loai-bo-quan-xanh-quan-do-trong-dau-gia-tai-san-134364.html