Loại bỏ việc thi đua hình thức, 'chạy chọt' khen thưởng - Bài 1: Động lực để phát huy sức mạnh dân tộc

LTS: Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Bác căn dặn: 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất'. Suốt gần 75 năm qua, tinh thần ấy là động lực to lớn giúp phong trào thi đua yêu nước phát triển không ngừng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Tuy vậy, thực tiễn phòng chống tham nhũng, tiêu cực những năm gần đây cho thấy, khi bị đưa ra xét xử, hầu hết các quan chức vi phạm đều dẫn ra những thành tích, danh hiệu khen thưởng để xin giảm nhẹ hình phạt. Do đó, nếu thi đua khen thưởng không thực chất, khen thưởng mang tính “nịnh nọt” thì chẳng những không trở thành động lực mà còn triệt tiêu động lực.

Công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; Trung ương Đảng đã thành lập Ban vận động thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương và phát động phong trào thi đua để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến, kiến quốc.

Càng khó khăn thì càng phải thi đua

Thi đua yêu nước trở thành truyền thống quý báu, một nét văn hóa đặc sắc, một di sản của dân tộc ta. Điển hình như các phong trào “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “3 sẵn sàng”, “5 xung phong”, “3 đảm đang”… đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ hòa bình, tiếp tục có hàng trăm phong trào thi đua rộng khắp. Những năm gần đây là phong trào thi đua tiêu biểu: “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Các phong trào đó đã cổ vũ lớn lao, khơi dậy khát vọng dân tộc, truyền cảm hứng, lan tỏa hành động trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị và sứ mệnh lịch sử. Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức hiệu quả các phòng trào thi đua yêu nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ngày 18-11-2022. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua: “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, ngày 18-11-2022. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhìn lại thực tiễn công tác TĐKT trong 5 năm trở lại đây, không thể không nhắc đến phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động ngày 14-8-2021 (giai đoạn cao điểm nhất của phòng, chống đại dịch Covid-19 tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam), sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn quốc chống đại dịch Covid-19 vào ngày 29-7-2021.

Thực tế sau đó cho thấy, với tinh thần đại đoàn kết “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, phong trào thi đua đó đã góp phần tạo nên chiến thắng đại dịch của Việt Nam. Những điển hình “ATM oxy”; “ATM gạo”; “Siêu thị 0 đồng”; “Suất cơm 0 đồng”; mô hình cách ly “3 lớp”, “tháp nhiều tầng trong điều trị bệnh nhân”; phương án thiết lập “vùng xanh” an toàn; “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”, “3 cùng”; “nhân dân các tỉnh miền Bắc tự nguyện chi viện nhân lực, vật lực cho các tỉnh phía Nam”… đều xuất phát từ phong trào thi đua yêu nước đặc biệt này.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thảo luận báo cáo giám sát về phòng chống dịch Covid-19, Quốc hội đã tôn vinh, ghi nhận, trân trọng cảm ơn sự đóng góp rất lớn cả về trí tuệ, tài sản, vật chất, công sức, tinh thần của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng chống dịch bệnh, sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, nhiều người đã hy sinh cả sức khỏe, quyền lợi của bản thân, quyền lợi của gia đình, thậm chí hy sinh xương máu và tính mạng. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã phát biểu, đại dịch Covid-19 vừa qua rất ác liệt. Đóng góp của nhân dân vừa qua là rất lớn, do đó cần làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, các cá nhân đã tham gia chống đại dịch Covid-19, “xin đừng quên lãng những đóng góp của họ”.

Thực tiễn trên cũng cho thấy, mỗi khi đất nước có khó khăn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại được khơi dậy, trong đó có vai trò không nhỏ của phong trào thi đua yêu nước. Và, chúng ta càng thấm nhuần hơn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Cùng với thi đua chính là khen thưởng. Việc khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ lan tỏa rộng rãi những điều tốt đẹp ra toàn xã hội. Chẳng hạn, ngày 17-4-2020, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gửi thư khen, biểu dương anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Vũ trụ xanh (PHG Lock, TPHCM) vì đã có việc làm sáng tạo, có tính lan tỏa tích cực khi sáng chế cây “ATM gạo”, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Ngày 11-4-2022, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm sĩ quan nghiệp vụ từ Trung úy lên Đại úy đối với đồng chí Thái Ngô Hiếu, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Đồng Nai), vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc khi lao ra khu vực nước sâu, chảy xiết và sóng biển lớn để cứu 4 thanh niên bị đuối nước trong lúc tắm biển tại xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu). Chủ tịch nước cũng đã có thư khen, trao tặng huân chương cho đồng chí Thái Ngô Hiếu vì hành động dũng cảm này.

Việc cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức thăng cấp và khen thưởng kịp thời hành động quả cảm của những anh hùng giữa đời thường cũng như khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật được nhân dân cả nước đồng tình. Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời đã lan tỏa giá trị tích cực, để nhiều người có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó chính là giá trị của việc khen thưởng đúng người, đúng thành tích.

Toàn bộ quá trình khảo sát, thiết kế, thi công đường điện vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đều do đội ngũ kỹ thuật Việt Nam đảm trách

Toàn bộ quá trình khảo sát, thiết kế, thi công đường điện vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc đều do đội ngũ kỹ thuật Việt Nam đảm trách

Theo Hội đồng TĐKT Trung ương, năm 2022, việc khen thưởng các trường hợp có thành tích đột xuất, khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu được thực hiện rất kịp thời. Trong đó, riêng về phòng chống dịch Covid-19 đã khen thưởng cho hơn 1.800 trường hợp…

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, khen thưởng phải nắm chắc người thực, việc thực. “Ngày xưa, Bác Hồ xem báo mà có gương người tốt, việc tốt thì cho người đi kiểm tra; kiểm tra xong nếu thuộc quyền của Bác thì Bác khen thưởng ngay, trao Huy hiệu Bác Hồ; còn đối tượng cần khen thưởng thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước thì Bác đề nghị các cơ quan hữu quan làm thủ tục ngay”, ông Nguyễn Túc phát biểu.

Theo ông, điều đáng mừng là gần đây, chúng ta cũng đã chú trọng hơn đến việc khen thưởng đột xuất, đó là một định hướng rất tốt trong công tác khen thưởng. Khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc mới đúng tính chất khen thưởng. Còn khen thưởng nếu thực hiện “xuân thu nhị kỳ”, đến hẹn lại lên, cuối năm tổng kết để khen thưởng, hay việc khen thưởng chỉ dành cho cấp trên, cán bộ quản lý... là không đúng, không có mấy ý nghĩa.

Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bác đã từng căn dặn rằng, khen thưởng phải đúng; khen chê phải khéo; khen quá lời người ta dễ chủ quan sẽ sinh hư; mà chê quá, nghiệt ngã, người ta đau khổ mất hy vọng, mất cả động lực phát triển...

Tư tưởng về thi đua yêu nước đó của Bác Hồ mãi mãi còn giá trị trong lòng nhân dân, rất cần được tăng cường, đẩy mạnh để góp phần vào công cuộc phát triển đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cần gắn thi đua yêu nước với việc xây dựng đội ngũ cán bộ 6 dám: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.

Trong các cuộc họp của Hội đồng TĐKT Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng, đều nhấn mạnh phải thúc đẩy, khích lệ các phong trào thi đua, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” để có những thành quả mới.

Trong năm 2022, Ban TĐKT Trung ương đã thực hiện hơn 1.100 quyết định của Chủ tịch nước khen thưởng cho hơn 29.100 trường hợp; hơn 8.300 quyết định của Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cho hơn 8.900 trường hợp; cấp phát hơn 326.000 hiện vật khen thưởng các loại.

LÂM NGUYÊN - ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loai-bo-viec-thi-dua-hinh-thuc-chay-chot-khen-thuong-bai-1-dong-luc-de-phat-huy-suc-manh-dan-toc-post692698.html