Loại bỏ vùng nguyên liệu mía kém hiệu quả

Trong thời hoàng kim của cây mía, Đồng Nai từng phát triển được hơn 10 ngàn ha mía và thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư những nhà máy mía đường công nghệ hiện đại.

Vùng chuyên canh mía tại xã Gia Canh (H.Định Quán) đang giảm mạnh diện tích. Ảnh: B.Nguyên

Vùng chuyên canh mía tại xã Gia Canh (H.Định Quán) đang giảm mạnh diện tích. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên hiện nay, nhiều vùng chuyên canh mía của tỉnh đã bị “xóa sổ”, chuyển đổi sang những cây trồng khác cho lợi nhuận cao hơn do ngành Mía đường yếu thế cạnh tranh khi bước vào hội nhập.

* Mất những vùng chuyên canh mía

Sự chuyển đổi của Đồng Nai phù hợp với quan điểm của Chính phủ về phát triển ngành Mía đường trong thời gian tới. Điều này được thể hiện qua Chỉ thị 28/CP-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành Mía đường Việt Nam trong tình hình mới do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ban hành vào giữa tháng 7-2020, chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, sản lượng thu hoạch của cây mía trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng của năm 2020 đạt gần 20 ngàn tấn, giảm gần 97 ngàn tấn (tương đương giảm gần 83%) so với cùng kỳ. Sản lượng mía giảm do diện tích mía giảm mạnh vì nông dân chuyển đổi sang các cây trồng khác cho lợi nhuận tốt hơn.

Chỉ vài năm trước, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: H.Vĩnh Cửu, H.Trảng Bom, H.Nhơn Trạch… vẫn giữ được những vùng chuyên canh cây mía có diện tích cả ngàn ha. Nhưng hiện nay, nhiều vùng, cây mía hầu như bị xóa trắng.

Trước đây, H.Vĩnh Cửu không thiếu những vùng chuyên canh cây mía với tổng diện tích hàng ngàn ha. Doanh nghiệp về đầu tư nhà máy ép mía với công suất lớn ngay vùng nguyên liệu; ngành Ép mía, Nấu đường thủ công cũng phát triển mạnh.

Ông Lê Văn Mười, nông dân từng là chủ lò ép mía, nấu đường nổi tiếng lâu năm tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cho biết, trước đây, chỉ riêng xã Bình Lợi đã có hàng trăm ha mía với hơn 20 lò đường thủ công, đến mùa thu hoạch mía là đỏ lửa suốt ngày đêm ép mía, nấu đường. Nhưng hiện nay nông dân đều bỏ cây mía chuyển sang trồng cây khác khiến các lò đường thủ công đều lần lượt đóng cửa. “Lò nấu đường của gia đình tôi đã nghỉ hoạt động từ 3 năm nay, hơn 10ha đất của gia đình tôi trước chủ yếu trồng mía thì nay đều chuyển sang trồng bưởi và một số cây trồng khác vì vài năm trở lại đây trồng mía không có lợi nhuận” - ông Mười nói.

Ông Trương Hùng Dũng ở xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) là nông dân giàu lên nhờ cây mía khi thuê đất ở nhiều nơi đầu tư những cánh đồng mía với diện tích hàng trăm ha. Nhưng hiện nay, ông Dũng đã trả đất thuê, đất của gia đình cũng được ông chuyển dần sang trồng cây ăn trái vì vài năm nay, mía thu hoạch xong có khi phải bù lỗ vì giá thấp. Nhiều nông dân khác từng gắn bó lâu năm với cây mía cũng đều chuyển đổi cây trồng.

Ông Trần Văn Ngà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Mía đường La Ngà (xã La Ngà, H.Định Quán) so sánh, trước đây, nhà máy chỉ thu mua mía của 4 huyện là Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ cũng đã đạt hàng ngàn ha. Nhưng niên vụ tới, dự kiến toàn tỉnh chỉ còn khoảng 50 ngàn tấn mía, tương đương khoảng 1 ngàn ha mía.

* Nhà máy lo thiếu nguyên liệu

Trước tình trạng nhiều vùng mía bị xóa trắng, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến mía đường không khỏi lo ngại thiếu nguyên liệu sản xuất.

Ông Huỳnh Công Minh, chủ lò đường duy nhất còn hoạt động tại xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, vì cơ sở ký được hợp đồng cung cấp đường cho nhà máy sản xuất nước sâm bí đao nên không lo đầu ra. Để có nguồn nguyên liệu mía đưa vào chế biến, gia đình ông Minh vừa tự đầu tư trồng mía, vừa ký kết với một số nông dân tại địa phương nhưng cũng chỉ đạt khoảng 30 ha/vụ. Ông Minh phải về tận miền Tây ký kết bao tiêu cho nông dân thì mới đủ nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất.

Cùng nỗi lo, ông Trần Văn Ngà cho biết thêm, nông dân ở nhiều tỉnh, thành cũng đua nhau chặt bỏ cây mía nên tình trạng các nhà máy đường thiếu nguồn nguyên liệu mía đưa vào sản xuất là khó tránh khỏi. Vụ ép mía tới có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh giữa các nhà máy sản xuất trong việc thu mua mía của nông dân. Với tình hình này, nhà máy có thể phải giảm công suất hoạt động. Theo ông Ngà: “Tuy đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thời gian tới, Công ty CP Mía đường La Ngà sẽ tiếp tục đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đặc biệt là đầu tư vùng nguyên liệu theo hướng cánh đồng lớn nâng năng suất mía, giảm chi phí đầu vào để cạnh tranh với đường ngoại…”.

Đây cũng là tinh thần của Chỉ thị 28/CP-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành Mía đường Việt Nam trong tình hình mới là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành Mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực, bao gồm việc tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng mía, giảm giá thành sản xuất đường; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đường trên thế giới dự báo vẫn còn tăng; sản xuất điện, phân bón, ethanol, thức ăn chăn nuôi… từ các phụ phẩm mía đường.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202008/loai-bo-vung-nguyen-lieu-mia-kem-hieu-qua-3018641/