Loài cá có thể nhận ra mình trong gương và ảnh tĩnh
Loài cá bác sĩ có thể nhận ra chính mình qua gương và ảnh tĩnh - đó là phát hiện mới của của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Osaka, Nhật Bản.
Trong nghiên cứu, nhóm sử dụng loài cá bác sĩ (bluestreak clean wrasse) chuyên ăn vảy chết và các loài ký sinh bên ngoài cơ thể những con cá khác. Loài cá này còn được gọi là cá mó hay cá vệ sinh. Chúng có chiều dài hơn 10cm, thường sống ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Wakayama và quần đảo Nansei phía tây nam Nhật Bản.
Một nghiên cứu trước đó cho thấy chúng có thể nhận ra mình trong gương khi được “soi gương”. Lúc đầu, con vật định tấn công chiếc gương vì nhầm tưởng có đối thủ trong đó. Nhưng các hành động hung hăng chấm dứt sau khi nó bơi trở ra và thực hiện các thao tác khác vì nó đã nhận ra chính mình, nghiên cứu cho biết.
Sau đó, 10 con cá bác sĩ đã vượt qua bài kiểm tra “soi gương” được cho xem 4 loại ảnh: khuôn mặt và cơ thể của chúng; khuôn mặt của chính chúng kết hợp với cơ thể của con cá khác; cơ thể và khuôn mặt của con cá khác; khuôn mặt và cơ thể của cá khác... Và cá bác sĩ đã không tấn công 2 trong số 4 tấm ảnh có gương mặt của chúng.
Các nhà khoa học phỏng đoán rằng, loài các này đã nhận ra khuôn mặt của nó không chỉ trên gương mà còn trên ảnh. Những phát hiện này đã được công bố trong tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.
Masanori Koda, thành viên nhóm nghiên cứu và là giáo sư khoa học nhận thức so sánh tại Đại học Osaka, cho biết: “Chúng tôi đã chứng minh rằng cá có một kiểu tự ý thức để nhận ra chính mình. Những phát hiện về cơ bản này có thể đảo ngược quan điểm phổ biến rằng cá không có trí óc”.