Loài cá được buôn bán bí mật như ma túy ở Brazil

Rissato, chủ một sạp cá ở Perúibe (Brazil) lén lút bày ra một mẻ cá mập mũi nhọn như thể đó là hàng cấm vì cô không rõ đây có phải loài bị cấm buôn bán hay không.

Bầu trời trong xanh và mặt nước êm đềm ở cửa sông che giấu đi sự khắc nghiệt của biển cả, và không có dấu hiệu hoạt động nào giữa những chiếc thuyền đánh cá đầy màu sắc đang neo đậu quanh bến cảng Cananeía, một thị trấn đánh cá buồn tẻ cách São Paulo 257 km về phía nam.

Nhưng trên bến tàu, một chuyến cá đông lạnh từ Uruguay vừa mới cập bến và vài người đàn ông đi ủng cao su màu trắng đang bận rộn dỡ những tấm pallet chứa các con vật đã bị chặt đầu, dán nhãn Galeorhinus galeus - hay còn gọi là cá mập đàn.

Những con cá xám mỏng này được bảo quản trong kho lạnh trên các kệ chất đầy xác cá mập xanh cao ngang trần nhà, tất cả đều đang chờ chế biến và phân phối đến các thành phố trong đất liền.

"Tại sao chúng tôi lại mua bán cá mập ư? Vì mọi người thích nó, đó là nguồn protein tốt và rẻ. Nó không mang lại lợi nhuận khổng lồ, nhưng cũng đủ tốt", Helgo Muller (53 tuổi), giám đốc công ty, cho biết.

Brazil không cho phép đánh bắt bất kỳ loài cá mập nào nhưng đây lại là món ăn truyền thống ở nhiều bang. Với nhiều kẽ hở trong luật và sự thiếu thông tin của người dân, những loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được đưa lên bờ, đi vào bữa ăn các gia đình.

Ngành kinh doanh tỷ USD

Ông Muller nói rằng cá mập chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh của công ty nhưng họ chế biến khoảng 10 tấn mỗi tháng, chủ yếu là cá mập xanh nhập khẩu từ các quốc gia như Costa Rica, Uruguay, Trung Quốc và Tây Ban Nha.

Các cộng đồng dân cư dọc theo bờ biển dài 7.400 km của Brazil luôn ăn cá mập. "Đó là một phần truyền thống của chúng tôi", Lucas Gabriel Jesus Silva (27 tuổi) cho biết. Ông của Lucas đã chuyển đến khu vực này vào những năm 1960 để đánh bắt cá mập lấy vây.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ thịt cá mập đang ngày càng tăng và hoạt động kinh doanh của những công ty như Muller khiến các nhà khoa học lo ngại về áp lực không bền vững đối với nhiều loài.

Nhu cầu cao đã biến Brazil trở thành nước nhập khẩu hàng đầu và là một trong những quốc gia tiêu thụ thịt cá mập lớn nhất trên thị trường toàn cầu, có giá trị ước tính là 2,6 tỷ USD.

 Cá mập được bán tại một chợ cá ở Perúibe, bang São Paulo.

Cá mập được bán tại một chợ cá ở Perúibe, bang São Paulo.

Giáo sư Aaron MacNeil thuộc Đại học Dalhousie của Canada giải thích: "Cá mập rất dễ bị khai thác quá mức vì chúng không sinh sản thường xuyên hoặc không có nhiều như cá xương".

Nghiên cứu được công bố vào tháng 4 cho thấy 83% các loài cá mập và cá đuối được bán ở Brazil đang bị đe dọa, theo phân loại của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Trong nhiều năm, các nỗ lực bảo tồn tập trung vào vấn đề buôn bán vây cá mập với châu Á và tập tục man rợ "chỉ cắt vây" - người ta cắt lấy vây cá mập rồi thả con vật bị thương và bất lực, thường vẫn còn sống, về biển.

Nhưng nghiên cứu từ đầu năm nay cho thấy hạn chế việc cắt vây không làm giảm tỷ lệ tử vong của cá mập, với ít nhất 80 triệu con cá mập vẫn bị giết hàng năm.

"Thịt cá mập đã bị bỏ quên", MacNeil, người đang nghiên cứu về hoạt động buôn bán thịt cá mập toàn cầu, cho biết. "Chỉ đến bây giờ chúng ta mới nhận ra hoạt động buôn bán này lớn đến mức nào. Giá trị của nó chắc chắn đã vượt xa giá trị của vây cá mập".

Theo truyền thống, người Brazil ăn cá mập trong moqueca - một món hầm hải sản bắt nguồn từ các tiểu bang Bahia và Espírito Santo. Nhiều cư dân lâu đời ở Cananeía đã sử dụng nước súp đầu cá mập và sụn như một phương thuốc tự chế.

Nhưng hiện nay cá mập còn được đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày của người Brazil vì nó rẻ hơn các loại cá trắng khác, được bán dưới dạng phi lê hoặc bít tết, không xương và dễ nấu. Nó xuất hiện trong căng tin trường học và bệnh viện.

 Khu vực cảng Cananeía, nơi đánh bắt và ăn cá mập là một truyền thống lâu đời.

Khu vực cảng Cananeía, nơi đánh bắt và ăn cá mập là một truyền thống lâu đời.

Người dân không biết mình đang ăn cá mập

Thực tế có ít người Brazil nhận ra họ đang ăn cá mập có lẽ là nguyên nhân khiến món này trở nên phổ biến. Đối với hầu hết người Brazil, nó chỉ là "cação" - một thuật ngữ chung dùng để chỉ cả thịt cá mập và cá đuối.

Trong khi đó, những người dân ven biển có truyền thống ăn cá mập mới có thể nhận ra sự khác biệt tinh tế về kết cấu và hương vị giữa các loài cá mập.

Nathalie Gil, chủ tịch của Sea Shepherd Brasil, một tổ chức bảo tồn biển, cho biết : "Người dân Brazil rất thiếu thông tin, họ không biết rằng cação là loài cá mập, và ngay cả khi biết, họ cũng thường không biết rằng loài động vật này đang có nguy cơ tuyệt chủng".

Những người vận động cho rằng việc dán nhãn chung chung đã khiến người tiêu dùng khó đưa ra quyết định sáng suốt, điều này thậm chí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ do nồng độ chất ô nhiễm nguy hiểm cao trong những loài săn mồi hàng đầu như cá mập.

Ana Barbosa Martins, một nhà nghiên cứu tại Đại học Dalhousie, nói: "Nếu họ biết, có thể họ sẽ không ăn nó".

 Một con cá mập trắng lớn dài 5 mét bị bắt ngoài khơi Cananeía vào năm 1992, được bảo quản trong bảo tàng của thị trấn.

Một con cá mập trắng lớn dài 5 mét bị bắt ngoài khơi Cananeía vào năm 1992, được bảo quản trong bảo tàng của thị trấn.

Luật pháp Brazil không cho phép đánh bắt bất kỳ loài cá mập nào, nhưng chúng có thể được đưa lên bờ như một loại đánh bắt phụ đi kèm một số hạn chế. Đội tàu đánh bắt cá ngừ của đất nước này thường đánh bắt được nhiều cá mập hơn cá ngừ.

"Về mặt lý thuyết, tất cả đều nằm trong phạm vi quản lý của luật pháp. Nhưng đây là một hình thức đánh bắt cá hoàn toàn không được quản lý", Martins nói.

Việc bắt và bán các loài được bảo vệ là bị cấm. Nếu sa lưới, chúng phải được thả về biển, ngay cả khi đã chết.

Nhưng quy định đó khó thực thi. Silva, một ngư dân đến từ Cananeía, nhớ lại cách cá mập hổ cát (được gọi tại địa phương là mangona) được đưa lên bờ mà không bị trừng phạt trong thời gian dài, sau khi chúng trở thành một trong những loài đầu tiên được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2004.

Silva cho biết: "Mangona được bán tại trung tâm phân phối rất dễ dàng. Tôi nghĩ là phải đến năm 2017, những người buôn bán mới bị phạt và họ dừng lại". Ông khẳng định những người đánh cá không biết rằng loài này được bảo vệ.

Buôn bán bí mật như ma túy

Việc nhận dạng nhầm cá mập, dù là vô tình hay cố ý, thường xảy ra trong các chuyến cập cảng và nhập khẩu trong nước.

Paulo Santos, một nhà sinh vật học và phân loại học cá mập, đã xác định một mẫu vật trong lô hàng của Uruguay mà phóng viên tờ Guardian nhìn thấy là cá mập mũi hẹp trơn, chứ không phải là "cá mập đàn" như được ghi trên nhãn (cả hai loài đều được coi là cực kỳ nguy cấp ở Brazil, nhưng chúng vẫn được phép nhập khẩu).

Martins tin rằng việc giám sát hiệu quả phụ thuộc vào việc các cơ quan chức năng giao tiếp và hợp tác tốt hơn với cộng đồng ngư dân, những người thường phản đối những lệnh cấm mà họ cho là vô lý. Điều này thể hiện rõ trong quan điểm của những người đánh cá địa phương dọc bờ biển São Paulo.

"Những người đánh cá không thả lưới để bắt cá mập cụ thể, nhưng đôi khi một con cá mập đầu búa (loài được bảo vệ) sẽ sa lưới. Bạn có thể làm gì chứ", Lucia Rissato, chủ một quầy bán cá ở Perúibe, thị trấn ven biển cách Cananeía khoảng 75 dặm về phía bắc, cho biết.

 Rissato, chủ một quầy cá ở Perúibe, bán cá mập lén lút vì không rõ loài nào bị cấm.

Rissato, chủ một quầy cá ở Perúibe, bán cá mập lén lút vì không rõ loài nào bị cấm.

Ý kiến của Silva phản ánh quan điểm phổ biến trong cộng đồng. "Một người đánh cá phải làm công việc của mình. Lệnh cấm đi kèm với ý định tốt, nhưng nó không ngăn được cá mập bị mắc vào lưới đánh bắt cá mú Đại Tây Dương, cá tuyết", ông nói.

Ông bắt đầu ra khơi từ năm 12 tuổi và tin rằng quần thể cá mập không suy giảm "nhiều như mọi người nói" - một quan điểm phổ biến khác ở Cananeía.

Năm ngoái, chính phủ đã thêm 5 loài mới vào danh sách nguy cấp, bao gồm cá mập mako vây ngắn, loài được người tiêu dùng ưa chuộng. Rissato phàn nàn rằng cô không thể bán bất kỳ loài cá mập nào được đánh bắt tại địa phương nữa vì không rõ loại nào được phép.

"Chúng tôi phải bán chúng một cách bí mật, giống như bán ma túy vậy", người phụ nữ 48 tuổi nói. Ngày hôm đó, trong tủ lạnh của cô có một mẻ cá mập mũi nhọn Brazil - một loài được phép bán, nhưng cô đã lén lút trưng bày chúng như thể chúng là hàng cấm.

Ana Alinda Alves (65 tuổi) phân loại cá tại bến tàu ở Cananeía và có 5 người con trai làm nghề đánh cá.

"Chính quyền đối xử với ngư dân như bọn côn đồ", bà thở dài. "Người đánh cá ra khơi, anh ta bị bắt và thậm chí không thể mang cá về nhà để nuôi gia đình. Anh ta không ăn cắp bất cứ thứ gì. Anh ta đi đánh cá, anh ta đi làm việc".

 Ana Alinda Alves, người phân loại cá tại cảng Cananeía, cho biết "Chính quyền đối xử với ngư dân như bọn côn đồ".

Ana Alinda Alves, người phân loại cá tại cảng Cananeía, cho biết "Chính quyền đối xử với ngư dân như bọn côn đồ".

Giữa những nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện việc bảo vệ cá mập, Brazil đang hành động.

Một dự luật được trình lên quốc hội vào năm ngoái sẽ yêu cầu cação phải được dán nhãn cụ thể là cá mập (hoặc cá đuối) ở mọi giai đoạn của chuỗi sản xuất, cũng như xác định loài. Một dự luật khác đề xuất cấm mua cá mập trong các cuộc đấu thầu công khai. Và lần đầu tiên, chính phủ đã đưa ra hạn ngạch đối với cá mập xanh do những người câu cá ngừ bằng dây dài của Brazil đánh bắt.

Nhưng những điều khoản này chỉ có thể đi xa đến đó, đặc biệt là khi chúng không ảnh hưởng đến việc nhập khẩu. Những người bảo tồn như Gil cho rằng cần phải thay đổi quan điểm của công chúng về những loài động vật quan trọng về mặt sinh thái này .

"Liệu họ có lấy một con cá voi bị mắc lưới và phục vụ cho gia đình họ không? Không, vì điều đó là bất hợp pháp, nhưng cũng vì có sự tôn trọng đối với cá voi", cô nói.

Đinh Phạm

Theo The Guardian

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/loai-ca-duoc-buon-ban-bi-mat-nhu-ma-tuy-o-brazil-post1485416.html