Loài cheo cheo lưng bạc

Một loài sinh vật nhỏ đầu trông giống một con hươu, phần thân giống chuột, đã mất tích gần 30 năm, vừa được các nhà nghiên cứu phát hiện trong một khu rừng Việt Nam bằng phương pháp 'bẫy ảnh'. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần có những phương án bảo vệ để tránh sự săn bắt…

Cheo cheo lưng bạc có ngoại hình giống một con hươu.

Cheo cheo lưng bạc có ngoại hình giống một con hươu.

1. Đầu tháng 11 vừa qua, các tờ báo uy tín quốc tế như CNN, Guardian, NewYork Times… liên tiếp đưa tin về việc loài cheo cheo đã được tìm thấy ở một khu rừng thuộc tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam). Guardian đưa tin: “Loài hươu chuột biến mất gần 30 năm được tìm thấy còn sống ở Việt Nam”. Trong khi đó, trang National Geographic viết: “Hươu chuột xuất hiện sau khi mất tích cả một thế hệ”.

Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế tỏ rõ sự vui mừng vì phát hiện này, bởi họ nhớ rằng, bản ghi chép khoa học cuối cùng được biết về loài vật này là từ năm 1990, khi một thợ săn giết một con và tặng mẫu vật cho các nhà khoa học.

Cheo cheo lưng bạc được mô tả với kích thước như một con thỏ nhưng có ngoại hình giống một con hươu, loài vật này từng bị nghi đã tuyệt chủng. Loài vật này nhút nhát và cô độc, có 2 chiếc răng nanh nhỏ và mặt nó nhìn giống con chuột.

GS Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), một nhà khoa học từng nghiên cứu về cheo cheo Việt Nam - cho biết, cheo cheo là loài động vật có kích thước rất nhỏ trong nhóm móng guốc, con trưởng thành cũng chỉ nặng khoảng 3-4 kg. Đặc tính của loài này là hiền lành, dễ bị tổn thương và hay bị các loài động vật khác tấn công. “Loài này sống hiền, có bộ lông đẹp, hình dạng đáng yêu, bắt mắt. Cheo cheo ăn các loại lá, quả nhỏ rơi từ trên cây và các loại hạt. Khi loài này còn phổ biến, người ta hay bắt về làm vật nuôi trong gia đình và trong cả vườn thú. Loài này nhỏ, không quá nhanh nhẹn nên rất dễ bị săn bắt” - GS Huỳnh cho hay.

Cũng theo GS Huỳnh, từ những năm 1980 trở về trước, các vùng từ Đồng Nai, tại các khu rừng thưa lá rộng có nhiều cây họ dầu hay tập trung loài này. Ngoài ra, loài này cũng hay sống ở bìa rừng, tránh các sông, suối lớn nên dễ bị con người phát hiện, săn bắt. Người dân hồi đó săn bắt bừa bãi để ăn thịt, rồi bán lấy tiền. Do đó, số lượng cheo cheo giảm dần theo thời gian và đến cuối thế kỷ 20 thì được cho là tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở Việt Nam.

2. Anh Nguyễn An- điều phối viên của Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz, Trưởng nhóm khảo sát phát hiện cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam cho biết, loài này có tên khoa học là Tragulus versicolor. Đây là loài thú móng guốc đặc hữu duy nhất ở Việt Nam.

Chia sẻ về quá trình tìm kiếm cheo cheo lưng bạc, anh An cho biết: “Với sự hỗ trợ từ Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) ở TPHCM, Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) và Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã toàn cầu (GWC), tôi cùng với nhóm khảo sát (toàn bộ là người Việt Nam) tiến hành phỏng vấn người dân ở các khu rừng quanh Nha Trang, trải dài trên 3 tỉnh. Sau đó các bẫy ảnh được đặt ở nơi tiềm năng nhất và kết quả là những hình ảnh vừa được công bố”.

Còn theo Thạc sĩ Trần Văn Bằng- thành viên nhóm nghiên cứu, Phó trưởng phòng Động vật, Viện Sinh thái học Miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), để có thể có được những hình ảnh tự nhiên của loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã bỏ rất nhiều công sức và nỗ lực để phỏng vấn, lắng nghe và tiếp thu thông tin từ người dân địa phương tại nhiều vùng rừng núi của Việt Nam. Cụ thể, sau khi phỏng vấn người dân và Kiểm lâm ở Nha Trang (Khánh Hòa), trong 5 tháng qua, nhóm nghiên cứu đã lắp 29 chiếc camera tại các khu vực mà người dân địa phương cho biết đã nhìn thấy cheo cheo lưng bạc, có 1.881 bức ảnh động vật đã được chụp lại. Từ đó, mới xác định được một khu vực hứa hẹn cho việc tìm thấy loài này ngoài tự nhiên. Nhóm nghiên cứu cũng đã đặt bẫy ảnh tại khu vực hứa hẹn và hơn 3 tháng sau mới quay lại lấy dữ liệu hình ảnh được chụp từ bẫy ảnh.

Theo các nghiên cứu từng được công bố, cheo cheo xuất hiện cách đây hơn 25 năm và trong suốt thời gian qua các chuyên gia bảo tồn không tìm thấy dấu hiệu tồn tại của loại động vật này. Các nhà khoa học cho rằng loài vật bé nhỏ nằm trong danh sách 25 loài mất tích đang được tìm kiếm nhiều nhất của GWC, trở thành nạn nhân của ngành buôn bán động vật hoang dã trái phép và đã biến mất trong tự nhiên.

Chuyên gia bảo tồn Nguyễn An thừa nhận: “Loài vật này từ lâu gần như chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã phát hiện ra rằng chúng vẫn còn sống ngoài đó. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng không bị tuyệt chủng”.

Bẫy chụp được loài cheo cheo lưng bạc.

Bẫy chụp được loài cheo cheo lưng bạc.

3. Các nhà khoa học hy vọng phát hiện mới sẽ giúp loài này được bảo vệ tốt hơn, vì chúng đang bị đe dọa bởi việc sử dụng bẫy dây.

Tuy nhiên, cũng có lo ngại khác, đó là việc có thể cheo cheo lưng bạc sẽ trở thành mục tiêu của hoạt động săn bắt trong thời gian tới. Chính vì lo ngại điều này xảy đến, các bên đã thống nhất, ngoài thông tin và hình ảnh chung về việc tìm thấy cheo cheo lưng bạc, những thông tin chính xác khác về nơi phát hiện loài vật này không công bố, vì nguy cơ cheo cheo lưng bạc sẽ biến mất do áp lực săn bắn của người dân.

“Có thể nhiều người vẫn chưa biết, nhiều động vật hoang dã đang biến mất khỏi Việt Nam do tình trạng săn bắt bằng bẫy dây phanh/dây kim loại ở quy mô công nghiệp. Gần như chắc chắn người Việt Nam sẽ không còn thấy được hổ, báo, sao la trong tự nhiên nữa và chúng tôi không muốn điều này xảy ra cho cheo cheo lưng bạc”- chuyên gia bảo tồn Nguyễn An nói.

Để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, theo Thạc sĩ Trần Văn Bằng, đòi hỏi sự nỗ lực và tích cực tham gia từ nhiều nguồn, nhiều bộ, ban, ngành liên quan. Trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương là tăng cường kiểm soát, quản lý và chấm dứt tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ loài cheo cheo lưng bạc ở Việt Nam, cũng như nhiều loài động thực vật khác của Việt Nam và trên thế giới...

Ngoài cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor), GS Đặng Huy Huỳnh cho biết, các nhà khoa học Việt Nam còn phát hiện ra một loài khác là cheo cheo Nam Dương (Trangulus Javanicus). Cheo cheo Javanicus thường xuất hiện ở ngoài Bắc. Nhưng số lượng cả 2 loài đều đang rất ít, đều nằm trong Sách đỏ và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Theo GS Đặng Huy Huỳnh, việc các nhà khoa học tìm thấy cheo cheo lưng bạc ngoài tự nhiên trong thời điểm hiện nay là dấu hiệu rất đáng mừng, nhất là môi trường sống, sinh cảnh của nhiều loài động vật quý hiếm ngày một bị thu hẹp.

Chí Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kham-pha/loai-cheo-cheo-lung-bac-tintuc453846