Loài chim có thể to đến mức nào?
Trong lịch sử Trái đất, khủng long đã đạt những kích thước khổng lồ nhưng loài chim, hậu duệ của chúng, lại có kích thước khá khiêm tốn.

Loài chim ăn thịt Titanis từng sống tại Bắc Mỹ.
Liệu chim có thể đạt kích thước như tổ tiên hay không và bằng cách nào?
Kẻ săn mồi thống trị
Tiến hóa dường như ưu ái đặc biệt dành cho các loài chim lớn. Trong 66 triệu năm qua, trên nhiều lục địa và đảo khắp thế giới, các loài khủng long có lông vũ, tổ tiên của chim ngày nay, đã không ít lần tiến hóa thành những sinh vật khổng lồ, thậm chí trở thành kẻ săn mồi thống trị trong môi trường sống cổ xưa.
Tại Madagascar, những con chim voi cao đến 3m từng tồn tại cho đến khoảng một nghìn năm trước. Ở Nam Mỹ, các loài “chim khủng bố” với chiếc mỏ sắc như dao từng gieo rắc nỗi kinh hoàng suốt hàng chục triệu năm. Trong khi đó, loài Diatryma, cao gần 2m, từng lang thang trong những khu rừng cổ đại ở miền Tây Bắc Mỹ cách đây 45 triệu năm để tìm kiếm trái cây và hạt dinh dưỡng.
Sự xuất hiện của những loài chim khổng lồ như vậy gợi nhớ đến thời kỳ Trung sinh, khi khủng long lông vũ thống trị Trái đất, và đặt ra một câu hỏi thú vị: Liệu chim có thể tiến hóa đến kích thước như khủng long T.rex?
Thực tế, sự tiến hóa lặp đi lặp lại của chim khổng lồ là di sản còn sót lại của khủng long. Chim mỏ, nhóm duy nhất sống sót sau sự kiện tuyệt chủng do thiên thạch gây ra vào cuối kỷ Phấn trắng, tiếp tục thích nghi và phát triển. Khoảng 30 triệu năm trước, loài chim cánh cụt Palaeeudyptes cao gần 2m đã từng di chuyển chậm chạp trên vùng đất Nam Cực cổ đại. Còn ở Bắc Mỹ, từ khoảng 5 - 1,8 triệu năm trước, loài chim ăn thịt Titanis từng là nỗi khiếp đảm trong chuỗi thức ăn.
Những ví dụ này cho thấy, khủng long khổng lồ không chỉ thuộc về kỷ nguyên của Stegosaurus hay Triceratops. Tuy nhiên, không phải môi trường nào cũng tạo điều kiện để chim tiến hóa thành những sinh vật to lớn.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Nếu chim sở hữu những đặc điểm giúp khủng long tiền sử có thể đạt đến trọng lượng hàng tấn, vì sao chưa từng có loài chim nào lớn đến mức ngang ngửa khủng long bạo chúa T.rex?
Một số câu trả lời có thể nằm ở các hòn đảo, nơi được ví như phòng thí nghiệm của tiến hóa. Trong nghiên cứu năm 2023, nhà điểu học Raquel Ponti thuộc Đại học Porto, Bồ Đào Nha, và cộng sự đã xem xét hiệu ứng của “quy tắc đảo” đối với các loài chim.
Theo giả thuyết này, trong môi trường cách biệt của đảo, các loài động vật lớn có xu hướng thu nhỏ lại, còn các loài nhỏ lại phát triển to hơn. Nguyên nhân thường là do thiếu vắng các loài thú săn mồi như mèo hay chó, những kẻ chuyên rình rập trứng, chim non và cả chim trưởng thành không biết bay.
Không chịu áp lực sinh tồn từ những kẻ săn mồi, nhiều loài chim trên đảo đã tiến hóa theo hướng phát triển kích thước. Moa ở New Zealand, chim voi ở Madagascar và dodo trên đảo Mauritius là những minh chứng rõ nét cho hiện tượng này.
Tiến hóa kích thước lớn ở các loài chim thường xảy ra khi chúng định cư tại môi trường mới không có động vật săn mồi hoặc đối thủ cạnh tranh, đồng thời có sẵn nguồn thức ăn dồi dào.
Theo nhà điểu học Raquel Ponti, trong những điều kiện này, chim được tự do tiến hóa để tối ưu hình dạng và kích thước. Các loài chim sống trên đảo thường có đôi chân dài và cánh tròn hơn, phản ánh lối sống thiên về mặt đất và ít phụ thuộc vào bay lượn. Điều này chỉ có thể xảy ra khi không bị săn đuổi liên tục.

Chim dodo.
Tiến hóa tiếp diễn
Chim lớn không biết bay từng xuất hiện ở nhiều nơi, từ đảo Australia với loài mihirung (còn gọi là vịt quỷ) cho đến Diatryma (Bắc Mỹ). Những loài này thường tiến hóa nhanh chóng trong các môi trường vắng bóng thú săn mồi, cho thấy việc trở nên to lớn và bỏ bay là con đường tiến hóa dễ dàng trong những điều kiện như vậy.
Dù các đảo biệt lập là môi trường thúc đẩy sự tiến hóa về kích thước, các môi trường đất liền rộng lớn cũng có thể phù hợp với xu hướng này, dù ít hơn và chậm hơn.
Tuy nhiên, chưa loài chim nào đạt kích thước như khủng long không biết bay. Chim biết bay bị giới hạn bởi thể chất vì bay tiêu tốn năng lượng lớn và đòi hỏi cơ bắp mạnh, giới hạn kích thước tối đa. Chim không biết bay vẫn giữ hai yếu tố từ tổ tiên khủng long.
Đó là hệ thống túi khí giúp xương nhẹ và khả năng đẻ trứng, vốn từng cho phép khủng long tiến hóa đến kích thước khổng lồ. Nhưng các loài chim hiện đại có vẻ không gặp áp lực tiến hóa để trở nên khổng lồ như vậy. Chim khủng bố ở Nam Mỹ, thay vì săn con mồi lớn, chủ yếu giẫm và đá những con vật nhỏ hơn nên cũng không tiến hóa vượt quá kích thước nhất định.
Tuy nhiên, một số loài chim lớn ấn tượng đã từng lang thang trên Trái đất. Dựa trên các phát hiện gần đây ở Nam Mỹ, chuyên gia điểu học LaBarge, Đại học Porto, Bồ Đào Nha, cho biết các nhà cổ sinh vật học đã xác định rằng có những loài chim khủng bố còn lớn hơn ít nhất 10% so với loài Kelenken khổng lồ, cao đến 3m từng sinh sống ở lục địa này.
Ông LaBarge nhận định rằng, mặc dù không có khả năng những loài chim khủng bố này phát triển lớn hơn quá nhiều do con mồi chủ yếu có kích thước nhỏ, nhưng “tôi cho rằng những loài chim khủng bố lớn nhất hoàn toàn đã mạo hiểm tiến vào phạm vi kích thước và trọng lượng của một số loài khủng long theropod không phải chim”. Những cá thể lớn nhất trong nhóm này thậm chí có thể là những loài chim lớn nhất từng tồn tại.
Nếu có bất kỳ khả năng nào để một loài chim đạt đến kích thước như khủng long T.rex, thì điều đó sẽ phải xảy ra trong tương lai. Với hơn 11 nghìn loài chim đang sinh sống trên Trái đất, có khả năng một vài trong số chúng, những sinh vật có lông vũ còn sống, sẽ tiến hóa thành những loài khổng lồ trong tương lai, nhất là khi Trái đất tiếp tục thay đổi.
Câu hỏi duy nhất còn lại là: Liệu chúng có thể lớn đến mức nào? Dù thế nào, loài chim vẫn là minh chứng sống động cho thấy Kỷ nguyên Khủng long chưa hoàn toàn kết thúc mà vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo NatGeo
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loai-chim-co-the-to-den-muc-nao-post731236.html