Loài chim kỳ lạ với khả năng ngụy trang bậc thầy trong tự nhiên
Cú muỗi mỏ quặp được mệnh danh là bậc thầy ngụy trang trong tự nhiên, do đó bạn sẽ rất khó bắt gặp loài chim này.
Cú muỗi mỏ quặp (Hodgson's frogmouth) là một loài cú đặc biệt và thường bị nhầm lẫn với cú mèo. Nhưng thực ra nó là loài chim thuộc giống cú muỗi, là một họ trong bộ chim Caprimulgiformes (giống chim săn mồi hoạt động về đêm và sinh sống chủ yếu trên cây).
Khác với các loài chim cú thường bay lượn cả đêm để tìm kiếm con mồi, chim cú muỗi mỏ quặp thường chỉ đứng yên một chỗ, rình rập, khi thấy con mồi sơ sẩy thì mới lao đến tấn công. Nhưng vì đôi chân nhỏ, yếu nên loài vật này chỉ săn được các loài côn trùng là chủ yếu.
Ông Tim Faulkner, một chuyên gia động vật hoang dã người Úc cho biết rằng, loài chim này có thể ăn bất cứ sinh vật nào nhét vừa miệng chúng. Món khoái khẩu của cú muỗi mỏ quặp là các loài côn trùng nhỏ, nhưng khi đói chúng có thể ăn luôn cả chuột, thằn lằn, ếch, nhái…
Miệng của cú muỗi mỏ quặp trông khá kỳ lạ vì tương đối giống với miệng ếch. Dẫu vậy, đặc điểm đặc biệt này vẫn chưa giúp chúng trở nên đặc biệt, mà nhờ vào khả năng ngụy trang tuyệt vời của nó.
Khi trưởng thành, cú muỗi mỏ quặp sở hữu bộ lông với các màu sắc nâu, xám, màu hạt dẻ và điểm thêm màu đỏ nâu một cách tinh vi. Nhờ bộ lông này mà cú muỗi mỏ quặp trông giống như thân cây và gần như tàng hình khi đậu trên cành cây.
"Khi bị đe dọa, cú muỗi mỏ quặp sẽ giả làm một cành cây chết, một thế đứng đặc biệt không cử động, bằng cách đậu ở tư thế hơi nghiêng và đầu của chúng dựng đứng, lông ép vào thân và mắt nhắm lại thành một khe nhỏ. Với nền là cành và thân cây, chúng gần như không thể phát hiện được", Gisela Kaplan, giáo sư nghiên cứu hành vi động vật tại trường Khoa học và Công nghệ thông tin với tạp chí Australian Geographic.
Công Hiếu (t/h)