Phân bố từ phía Đông dãy Himalaya ở Nepal và Bắc Ấn Độ đến các vùng núi cao của Việt Nam, bướm phượng đuôi kiếm răng tù (Teinopalpus imperialis) là một loài bướm đẹp và quý hiếm bậc nhất thế giới.
Loài bướm này đạt đến sải cánh 9 - 12 cm khi trưởng thành. Thân và cánh có màu xanh lá cây, đầu cánh có những mảng màu nâu vàng và vạch đen. Hoa văn có sự khác biệt giữa từng cá thể.
Về mặt sinh thái, bướm phượng đuôi kiếm răng tù đẻ trứng ở mặt trên lá loài cây Magnolia campbellii (họ Mộc lan). Sau khi nở, ấu trùng di chuyển đến lá non để ăn.
Tại Việt Nam, bướm phượng đuôi kiếm răng tù được ghi nhận ở Lào Cai (Vườn quốc gia Hoàng Liên), Cao Bằng (Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén), Vĩnh Phúc (Vườn quốc gia Tam Đảo), Kon Tum (Khu bảo tồn Ngọc Linh)...
Là một trong những loài bướm sống ở nơi cao nhất Đông nam Á, loài bướm này đã được quan sát trên “nóc nhà Đông Dương” đỉnh Fansipan, hoặc các sống núi ở độ cao trên 3.000m thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Một vài cá thể khác đã được tìm thấy ở đỉnh Ngọc Linh, đỉnh Chư Yang Sin, những đỉnh núi cao bậc nhất khu vực Tây Nguyên.
Do sinh sống ở các vùng núi cao hiểm trở, bướm phượng đuôi kiếm răng tù loài rất hiếm gặp, ngay cả các nhà nghiên cứu côn trùng cũng ít khi có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu kỳ của chúng.
Trên thị trường mẫu vật bướm quốc tế, bướm phượng đuôi kiếm răng tù là một trong những loài bướm có giá cao nhất thế giới. Chúng được rao bán với giá phổ biến từ 100 - 500 USD, có khi lên đến hàng nghìn USD.
Hiện nay, thông tin về mức độ phong phú của các quần thể loài bướm này ở Việt Nam vẫn còn thiếu. Số lượng của chúng chịu tác động của việc phá rừng và thu bắt, buôn bán mẫu vật.
Trong sách đỏ IUCN, bướm phượng đuôi kiếm răng tù là loài nằm trong diện sắp bị đe dọa. Các chuyên gia khuyến cáo cần bảo vệ sinh cảnh của chúng tại các vùng núi cao và nghiêm cấm các hoạt động thu bắt, buôn bán.
P.V (Tổng hợp)