Loài động vật duy nhất trên thế giới có 'áo giáp sắt' bảo vệ, là cảm hứng cho quân đội, có nguy cơ tuyệt chủng
Nằm sâu dưới đáy đại dương, loài động vật này phải đối diện với môi trường sống rất khắc nghiệt. Có lẽ vì vậy mà chúng trang bị cho mình một lớp giáp bảo vệ vô cùng chắc chắn.
Trên thế giới có rất nhiều loại động vật sở hữu một bộ xương giáp bên ngoài để bảo vệ cơ thể như rùa, cua, ghẹ, ốc... Nhưng sở hữu lớp “áo giáp” cứng như sắt thì chỉ có ốc sên chân vảy, tên khoa học là Crysomallon squamiferum có mà thôi. Loài ốc sên đặc biệt này được phát hiện năm 2003, ở độ sâu khoảng 2000 mét ở vùng biển Ấn Độ Dương.
Xét về kích thước, ốc sên chân vảy cũng chỉ ngang ốc sên bình thường. Lớp áo giáp bên ngoài của chúng có thành phần chủ yếu là canxi, sunfua sắt. Chúng gồm 3 lớp, có thể giúp ốc sên chân vảy chống chọi được những tác động mạnh, kẻ thù cũng phải “bó tay”. Bề ngoài nhìn chiếc áo giáp này lấp lánh như kim loại.
Giới khoa học rất hứng thú với chiếc áo giáp của ốc sên chân vảy. Thậm chí nó còn trở thành nguồn cảm hứng để áp dụng thiết kế các loại áo giáp trong quân đội.
Sở dĩ ốc sên chân vảy có chiếc áo giáp chắc chắn như vậy là vì nó phải chống chọi với môi trường sống vô cùng khắc nghiệt. Loài này sinh sống ở môi trường suối nước nóng dưới biển sâu. Nơi đây có áp suất nước, nhiệt, độ axit cao và hàm lượng oxy rất thấp. Môi trường sống đó cản trở giới khoa học khám phá ốc sên chân vảy. Việc lấy mẫu vật ở độ sâu 3000 mét là rất khó khăn.
Hiện tại ốc sên chân vảy đang nằm trong danh sách những loài động vật bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng. Các chuyên gia tìm cách nghiên cứu về bộ gen của chúng và bất ngờ khi không có bất cứ gen đặc biệt nào. Tương tự các loài động vật thân mềm khác, ốc sên chân vảy có trình tự gen gần như không thay đổi trong suốt quá trình tiến hóa. Thế nhưng, làm sao loài này có được bộ áo giáp như sắt đến nay vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải. Nếu tìm hiểu được điều này, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng nó vào y học hay chế tạo áo giáp cho con người.