Với chiếc vỏ khổng lồ bao trùm cả thân, chiếc đuôi đầy gai nhọn và 5 cặp chân được nối trực tiếp tới miệng, cua móng ngựa huyết xanh (hay còn gọi là con sam) là một trong những loài có ngoại hình kỳ lạ bậc nhất thế giới động vật. Ảnh: The Boston Globe.
Theo "Sách đỏ IUCN", loài sam đã xuất hiện trên Trái Đất từ khoảng 450 triệu năm trước. Đây là một trong những sinh vật cổ xưa nhất từng xuất hiện trên Trái Đất vẫn còn tồn tại, được các nhà khoa học gọi là “hóa thạch sống”. Dù đã xuất hiện từ thời tiền sử, hình hài của chúng, đến nay, không có sự thay đổi so với hàng trăm triệu năm trước. Ảnh: Alamy.
Bên cạnh giá trị lịch sử, ứng dụng to lớn của sam còn ảnh hưởng đến nền khoa học hiện đại. Cụ thể, các nhà khoa học phát hiện máu của loài sam có tác dụng vô hiệu hóa vi khuẩn độc hại. Sam không có hệ miễn dịch nhưng có một cơ chế phòng vệ đặc biệt để chống vi khuẩn. Khi đối mặt vi khuẩn độc hại, tế bào amip trong máu sam phát hiện và làm tê liệt, không cho chúng lây lan. Ảnh: NPR.
Theo CNN, có giá lên tới gần 20.000 USD/lít, sam là loài động vật có máu đắt đỏ nhất trên thế giới hiện nay. Nuôi sam lấy máu là một trong những ngành công nghiệp ở nhiều quốc gia. Ảnh: The Economist.
Khác với nhiều loài động vật sống trên cạn, máu sam biển có màu xanh nhờ thay thế hemoglobin bằng hemocyanin để vận chuyển oxygen trong cơ thể. Chính sự thay đổi này đã giúp sam tồn tại và phát triển trong những môi trường "đậm đặc" vi khuẩn chết người. Ảnh: Alamy.
Mỗi năm, có khoảng 500.000 con sam được thu hoạch và lấy máu để chiết xuất một loại hóa chất có tên Limulus Amebocyte Lysate (LAL), đóng vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm chống lại vi khuẩn Gram âm có thể làm hỏng thuốc, kim tiêm và các thiết bị. Thứ chất lỏng màu xanh này sau đó đã trở thành "cứu tinh" cho các xét nghiệm tiêu chuẩn nhiễm độc công nghiệp khi chỉ 45 phút để tiếp xúc với máu sam cũng đủ để khám phá ra các nội độc tố từ vi khuẩn Gram âm. Ảnh: Alamy.
Người ta chỉ khai thác mỗi con sam khoảng 30% máu trong cơ thể. Sau khi lấy máu, sam được đưa lại về biển và một tuần sau lượng máu của chúng sẽ phục hồi. Tuy nhiên, khoảng 30% cá thể Sam thường không thể qua khỏi trong quá trình lấy máu. Điều này đã làm suy giảm nghiêm trọng số lượng quần thể sam trên thế giới, biến sinh vật này trở thành loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng. Ảnh: Alamy.
Nếu không có LAL, sẽ chẳng có cách nào để các nhà khoa học nhận biết sự hiện diện của vi khuẩn trong các vật tư y tế, vốn là thứ có thể cướp đi mạng sống của người bệnh. Bên cạnh đó, mạng sống của hàng triệu người trên thế giới sẽ bị đe dọa vì nhiễm trùng. Nếu như đã từng sử dụng vắc xin ít nhất một lần trong đời, rất có thể chúng có chứa thành phần được chiết xuất từ sam. Ảnh: Alamy.
Anh Tài