Tôm càng cẩm thạch hay có tên gọi là Marmokrebs, là loài giáp xác duy nhất được biết đến trên thế giới có khả năng sinh sản vô tính.
Loài sinh vật đột biến này chưa từng tồn tại trên thế giới cách đây 25 năm nhưng đến nay nó trở thành loài tôm nước ngọt xâm lấn nhiều nhất thế giới vì khả năng tự nhân bản đáng nể.
Loài tôm xâm hại tự nhân bản đã lan khắp châu Âu và châu Phi, phá hủy nhiều hệ sinh thái.
Tôm càng cẩm thạch nổi lên như một loài xâm lấn bắt nguồn từ giữa những năm 1990. Vào thời điểm đó, một người nuôi cá cảnh ở Đức đã mua một con tôm càng lớn mà ông gọi là tôm càng Texas.
Sau khi mang về nuôi, ông hốt hoảng khi nhận ra kích thước của nó ngày càng lớn và đẻ ra những mẻ trứng có số lượng khổng lồ.
Theo Gerhard Scholtz - chuyên gia sinh học tiến hóa tại ĐH Humboldt (Berlin, Đức): "Lũ tôm này là một loài khá nguy hại". Lý do vì chúng sinh sản quá nhanh, đồng thời gây nguy hiểm cho động vật bản địa vì bản tính hung dữ.
Đến năm 2003, các nhà khoa học mới xác nhận loài tôm có khả năng tự nhân bản. Và vào thời điểm đó, đây không còn chỉ là một loài động vật thủy sinh nữa mà nó đã bắt đầu hành trình "thống trị thế giới".
Các nhà khoa học mất 15 năm để sắp xếp trình tự bộ gene của tôm càng cẩm thạch. Họ nhận thấy loài vật này tiến hóa từ loài tôm đầm lầy Procambarus fallax trên sông Satilla ở Florida và Georgia, Mỹ.
Tiến sĩ Frank Lyko và cộng sự là những người đầu tiên giải trình tự bộ gen của tôm càng cẩm thạch. Họ cho biết tôm càng cẩm thạch tiến hóa từ một loài được gọi là tôm càng xanh, Procambarus fallax, xuất hiện ở các nhánh sông Satilla, Florida và Georgia.
Các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức đã thử phân tích bộ gene của 11 con tôm, để xem lý do vì sao chúng có thể tăng số lượng nhanh đến thế. Kết quả, toàn bộ 11 con tôm đều có chung một bộ gene - chứng tỏ chúng ra đời nhờ nhân bản vô tính từ một cá thể duy nhất.
Dù loài tôm này có nguy hại, nhưng cách tiến hóa của chúng cũng cho chúng ta một phương án chống lại ung thư, vì khả năng nhân bản của tôm cũng tương tự như cách ung thư phát triển.
Ngoài khả năng nhân bản đáng kinh ngạc, tôm càng cẩm thạch còn có khả năng thích nghi và có thể phát triển mạnh trong môi trường hoang dã. Chúng thậm chí có thể đi bộ hàng trăm mét đến các hồ nước, suối khác, lan rộng ở mức báo động.
Mời các bạn xem video: 10 động vật sống lâu nhất Trái đất. Nguồn: Yan News
Thùy Dung (T.H)