Loại hình quảng cáo mới có thể giúp doanh nghiệp thu về 2 triệu USD/ngày
Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo (Skoltech) và Viện Vật lý và Công nghệ Moscow (MIPT), quảng cáo không gian sẽ tốn rất nhiều chi phí. Nhưng nếu xét đến lợi nhuận nó có thể mang lại, số tiền bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
“Nghe có vẻ phi thực tế, nhưng chúng tôi đã chứng minh được rằng các chiến dịch quảng cáo trên không gian với hơn 50 vệ tinh cỡ nhỏ bay theo đội hình là khả thi”, báo cáo được đăng tải trên Aerospace cho biết. Chi phí phóng tên lửa và các vệ tinh CubeSat (vệ tinh siêu nhỏ) đã trở nên bớt đắt đỏ hơn trước kia rất nhiều. Điều này đã giúp các nhà khoa học và các công ty khởi nghiệp có thể dễ dàng tiến ra ngoài không gian và thực hiện các thí nghiệm đột phá.
Đây cũng là cơ hội để các thương hiệu thực hiện quảng cáo với một dàn vệ tinh bay trong không gian. Ý tưởng là sử dụng các vệ tinh CubeSat mang một cánh buồm phản ánh sáng Mặt Trời như một điểm ảnh (pixel). Một đội các vệ tinh sẽ có thể ghép thành một biển quảng cáo lớn lơ lửng trên trời, hiện hữu dưới mắt thường khi người xem đứng từ mặt đất - giống như các màn trình diễn ánh sáng bằng máy bay không người lái.
Mặc dù nhiều công ty đã nói về quảng cáo không gian, bao gồm cả hãng nước giải khát Pepsi, nhưng chưa thương hiệu nào thực sự tạo ra một quảng cáo như vậy. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Nga, sẽ tiêu tốn 65 triệu USD để triển khai một quảng cáo do 50 vệ tinh thực hiện. Toàn bộ quá trình chuẩn bị và phóng vệ tinh sẽ mất từ 1-3 tháng.
Quảng cáo không gian sẽ cần một chút ánh sáng mặt trời để phản chiếu, nhưng cũng có một bầu trời đủ tối để có thể nhìn thấy từ mặt đất, nên chúng sẽ hiển thị rõ nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn. Vì vậy, các vệ tinh sẽ di chuyển cùng với Mặt trời, đi qua các thành phố. Biển quảng cáo sẽ lơ lửng trong khoảng một phút trước khi dời đi.
Dựa vào cả các chỉ số như chi phí quảng cáo ngoài trời, dân số khu vực, những yếu tố chắn biển quảng cáo như trời nhiều mây, thời tiết giá lạnh khiến ít người ra đường, … các nhà khoa học đã dự đoán một chiến dịch quảng cáo không gian có thể mang lại doanh thu 2 triệu USD/ngày. Tức là chỉ cần chạy chiến dịch trong khoảng một tháng, nhãn hàng sẽ thu hồi được chi phí đã bỏ ra.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học bày tỏ lo ngại rằng sự gia tăng các vệ tinh trong quỹ đạo thấp của Trái đất sẽ cản trở khả năng nghiên cứu không gian và hoạt động theo dõi các tiểu hành tinh nguy hiểm tiềm tàng. Nhà khoa học Connie Walker từ trung tâm thiên văn NOIRLab, cho biết: “Số lượng vệ tinh nhân tạo tiếp tục phát triển, và thiên văn học hiện đang đối mặt với những hạn chế".
Theo ông Walker, vào cuối thập kỷ này, hơn 5.000 vệ tinh sẽ ở trên đường chân trời của đài quan sát vào bất kỳ thời điểm nào. Nhiều vệ tinh trong số đó sẽ được Mặt trời chiếu sáng. Chúng được phát hiện bởi ngay cả những kính thiên văn quang học hoặc hồng ngoại đơn giản nhất, tùy thuộc vào thời gian trong ngày và theo mùa. Việc này sẽ gây cản trở cho việc quan sát”.
Cuộc tranh cãi này tạm thời có thể ngăn cản các thương hiệu lớn thực hiện chiến dịch quảng cáo ngoài không gian. Nhưng khi các nhãn hàng nhìn thấy lợi nhuận từ phương pháp này, chúng ta sẽ sớm nhìn thấy các biển quảng cáo lơ lửng trên bầu trời lúc chạng vạng.