Loài hoa xuất hiện sau 36 năm tuyệt chủng

Một loài hoa dại màu cam hiếm gặp được cho là tuyệt chủng 36 năm đã xuất hiện ở Nam Mỹ.

Gasteranthus extincus được phát hiện trong rừng mây ở Ecuador.

Gasteranthus extincus được phát hiện trong rừng mây ở Ecuador.

Theo một nghiên cứu mới trên tạp chí PhytoKeys, loài hoa dại Gasteranthus extincus được phát hiện trong rừng mây ở Ecuador. Sự xuất hiện của loài hoa này được ghi nhận lần cuối vào năm 1985.

Ông Dawson White - đồng tác giả nghiên cứu tại Bảo tàng Field ở Chicago (Mỹ) cho biết, các nhà khoa học đã nhìn thấy tương lai không chắc chắn của loài hoa này. Vì vậy, họ đặt tên nó là “extincus” vì tin rằng, loài hoa sẽ sớm tàn lụi. Phần lớn rừng mây ở Ecuador đã bị phá hủy vào những năm sau đó. Việc mất môi trường sống đã giết chết hàng chục loài cây.

Các nhà nghiên cứu đã quyết định xem xét một lần nữa ở phía Tây Ecuador vào năm 2021. Qua đó, tìm kiếm các loài cây đã tồn tại ở khu rừng. Trong vài ngày, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hoa Gasteranthus extincus. Nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu để xác nhận ADN của loài thực vật này.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bức ảnh về loài hoa này được đăng vào năm 2019 bởi một nhóm sinh viên Ecuador. Tuy nhiên, theo ông White, loài hoa này vẫn có nguy cơ tuyệt chủng. Ông giải thích, bất chấp sự tàn phá mà rừng mây đang phải chịu, Chính phủ Ecuador vẫn tiếp tục phá rừng. Theo ông White, Chính phủ Ecuador đã phân phối lại đất cho tầng lớp lao động vào những năm 1950 và 1960. Người dân chặt cây để mở đường cho việc trồng các loại cây như cacao và chuối.

“Chúng tôi đã đến gặp các chủ đất địa phương. Họ nói với chúng tôi về kế hoạch tiếp tục chặt phá một số khu rừng nhỏ vẫn còn sót lại này”, ông White chia sẻ. Trong khi đó, Carmen Ulloa Ulloa - nhà thực vật học phụ trách tại Vườn Bách thảo Missouri ở St. Louis, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết, bà đã lớn lên ở Ecuador và tận mắt chứng kiến nạn phá rừng.

Tuy nhiên, khi trưởng thành, bà Ulloa hiểu được sự cân bằng mong manh giữa việc cần bảo vệ môi trường và kiếm thu nhập. “Bạn cần bảo vệ rừng, nhưng sau đó bạn cũng cần phải nuôi sống dân số của đất nước”, bà Ulloa Ulloa nói.

Theo bà Ulloa, một giải pháp có thể được đưa ra là đầu tư vào du lịch sinh thái - nơi du khách đến tận hưởng và khám phá vùng đất tự nhiên. Theo nhà thực vật học này, đó là một cách để bảo vệ rừng, trong khi vẫn thúc đẩy nền kinh tế của Ecuador.

Các nhà nghiên cứu đã đến Ecuador trước và sau khi nhóm của White phát hiện ra những loài thực vật mới. Theo ông White, các nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra loài mới này đang hy vọng sẽ công bố những phát hiện vào cuối năm nay. Mục tiêu của ông White là bảo tồn môi trường của rừng mây, trong khi tiếp tục nghiên cứu về các loài mới được phát hiện.

Theo CNN

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/loai-hoa-xuat-hien-sau-36-nam-tuyet-chung-tx7FBmQng.html