Loài lợn tham ăn
Người Hồi giáo, người Do Thái không ăn thịt lợn vì họ cho rằng giống lợn là loài bẩn thỉu. Tôi không xét đoán điều này vì niềm tin tôn giáo ở mỗi cộng đồng là khác nhau nhưng rõ ràng chúng ta đều thấy rằng lợn là loài tham ăn và ít nhiều chúng phải chịu những hậu quả từ việc đó.
Không giống như các loài vật khác, lợn hầu như có một cuộc sống khá dễ dàng kể từ khi chúng được loài người thuần hóa. Lợn được nuôi trong các chuồng trại, người ta cho chúng ăn đầy đủ, chăm sóc và những con vật nào chóng lớn, béo tốt nhất thì sẽ bị giết thịt sớm nhất. Lũ lợn tham ăn và không biết điều gì chờ đợi mình sau những bữa ăn no nê phè phỡn. Lũ lợn ăn hăng say để thỏa cái bụng sệ và sự háu ăn của mình. Chúng đâu biết rằng, càng ăn nhiều, càng chóng lớn, càng béo tốt, cuộc đời chúng càng ngắn lại.
Khoa học đã chứng minh dễ dàng việc ăn uống quá độ, trên mức cần thiết sẽ khiến con người nhiều bệnh và đoản thọ. Lợn là loài ăn tạp, chúng ăn cả thực vật và động vật và tính tham ăn của lợn đã nổi tiếng từ lâu. Ngô Thừa Ân, trong tác phẩm “Tây Du Ký” của mình để chọn một nhân vật tham lam, ưa khoái lạc, nhà văn đã sáng tạo ra hình tượng Trư Bát Giới với vẻ bề ngoài nửa người, nửa lợn để chuyển tải thông điệp đời sống. Nhân vật Trư Bát Giới là người mang nhiều tính phàm tục nhất trong bốn thầy trò Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh. Trư Bát Giới bị người ta chê cười vì tính phàm ăn và ưa dật lạc nhưng cũng vì thế họ Trư gần gũi với người nhất, còn các nhân vật khác, hầu như là những ông thánh xa lạ, khác xa thế giới loài người.
Lòng tham là bản chất cơ bản của loài người, chỉ có điều người ta chế ngự, kiềm chế nó thế nào thôi. Ham ăn và thích sở hữu là một đặc tính cơ bản của con người khi từ nhỏ đứa trẻ đã không muốn chia sẻ vú mẹ và đồ chơi với người khác. Khi lớn lên, các nhu cầu bản năng của con người bị kiềm chế dần dần theo các bài học đạo đức, luật lệ xã hội mà con người buộc phải tuân theo. Tất nhiên những gì là bản chất thì chúng chỉ nằm im ở một chỗ, khi có những điều kiện thuận lợi hoặc áp chế bị giảm đi thì sẽ trỗi dậy.
Tham ăn hay nói khác đi, tính vơ vét mọi thứ càng nhiều càng tốt là đặc tính ở nhiều người. Sự tham lam này sẽ không có nhiều cơ hội khi con người không trong những điều kiện thuận lợi như sở hữu quyền lực hoặc ở những vị trí dễ dàng chiếm đoạt của cải. Đặc tính của một chú lợn tham lam, chén no nê thỏa thích, tranh giành với đồng loại bất chấp hậu quả chính ở chỗ này. Càng ăn khỏe, ăn tham, càng chóng lớn thì càng nhanh bị giết thịt, người tham lam càng vơ vét nhiều càng chóng nhận hậu quả. Những vụ trục lợi, tham nhũng lớn nhanh chóng bị phát giác và bị trừng phạt.
Tất nhiên công luận nhìn những kẻ tham lam vơ vét, trục lợi cá nhân với ánh mắt khinh bỉ dữ dội hơn nhiều so với một chú lợn tham ăn. Con lợn tham ăn có thể do bản năng và không ý thức được hậu quả; còn con người, dù biết chắc chắn hệ lụy, anh ta vẫn cứ làm, do vậy phải nhận những hậu quả và trừng phạt lớn hơn.
Ở đâu người ta cũng ghét người tham lam giành giật lợi quyền về mình. Ở cơ quan nào cũng có những người luôn muốn đoạt mọi thứ lợi quyền bất chấp tập thể và cá nhân khác. Những người ấy thường bị đồng nghiệp chê cười, coi thường. Ở những cấp độ cao hơn, những kẻ tham nhũng, sâu mọt làm hại quốc gia, dân tộc phải trả giá bằng mạng sống của mình hoặc ít nhất phải sống trong tù đày, mất hết nhân phẩm và danh dự của mình. Lòng tham nếu không bị kiềm chế và ngăn chặn thường dẫn đến những hậu quả rất lớn.
Nhưng so sánh sự tham ăn của loài lợn với sự tham lam của con người nói chung cũng chưa thật thỏa đáng. Loài người tận dụng đặc tính tham ăn của lợn nuôi chúng mau lớn để mang ích lợi cho mình. Loài lợn có một cái "tội" là chúng cứ ngây thơ bộc lộ hết bản năng của mình và không biết hậu quả thế nào. Trong các loài vật nuôi, lợn đặc biệt gần gũi và thân thiết với người Việt và có lẽ không loài vật nào mà tiếng Việt có nhiều từ ngữ miêu tả về chúng như thế. Khi bé gọi là lợn sữa, lớn lên gọi là lợn thịt, con cái sắp trưởng thành gọi là lợn hậu bị, làm mẹ gọi là lợn nái, đẻ nhiều gọi là lợn sề, con đực chuyên đi phối giống, người miền Nam gọi là heo nọc...
Ngay cả thịt của lợn cũng có nhiều tên gọi nhất: thịt vai, thịt mông, thịt thăn, thịt thủ, ba chỉ, mỡ, sườn, chân giò... và gần như trở thành tiêu chuẩn chung để gọi thịt của các con vật khác. Thịt lợn cũng được chế biến đa dạng nhất, mỡ rán dùng dần, thịt nạc làm giò chả, bì làm bóng bì, nem, ba chỉ kho tàu và rất nhiều món ăn khác phải dùng nguyên liệu từ thịt lợn.
Nếu không có thịt lợn, món ăn của người Việt sẽ mất đi sự đa dạng rất nhiều và tôi cũng chưa hình dung văn hóa ẩm thực của người Việt sẽ ra sao nếu không có thịt lợn. Con lợn quay, thủ lợn, đuôi lợn đóng vai trò đáng kể trong tín ngưỡng dân gian của người Việt trong các cuộc tế lễ, cúng bái, chúng nhiều khi biểu hiện của sự sung túc, giàu có và khoái lạc.
Cho nên, cho dù hình tượng Trư Bát Giới bị chê cười nhiều nhất trong “Tây Du Ký” vì phàm tục thì nhiều người vẫn thích đặc tính của lão Trư. Đó là một cuộc sống thực tế của một đời người, thích ăn uống, tửu sắc, chứ không phải là những ông thánh không có thật. Chỉ có điều, với những ham muốn bản năng rất con người đó, nếu không được điều tiết, tự kiềm chế hoặc bị kiềm chế thì cũng sẽ rất nguy hiểm và tai hại.
Lợn là loài vật dễ nuôi và thích nghi. Cho ăn ngon, lợn ăn nhiều, cho ăn dở, ít khi chê. Thức ăn nguồn gốc thực vật hay động vật, lợn đều dùng được cả. Ăn xong lợn thích nằm ngủ mà hầu như không có hoạt động đáng kể nào cả cho nên thân hình ngày càng phì ra, bụng to, mõm béo. Những người có đặc tính quá giống loài lợn ở nết ăn, nết ngủ thì cũng không mấy được ưa và đôi khi nhận được những lời chế giễu.
Nhưng lợn cũng là con vật ưa thích trong sự tích lũy của cải của người Việt. Trước đây trong thời gian khó, hầu như không gia đình nào không nuôi lợn, kể cả ở nông thôn và thành phố. Cơm thừa, canh cặn, rau cỏ kiếm ngoài đồng đều trở thành thức ăn cho lợn. Người ta chăm bẵm con lợn để sáu tháng, một năm sau có thể bán lấy tiền, người có thể đói nhưng lợn thì không. Con lợn là món tiền tích lũy cả năm trời, mua sắm quần áo, học hành, cưới xin đều trông chờ vào con lợn cả. Nói con lợn tham ăn cũng một phần người ta quá cung phụng chúng để làm lợi ích riêng cho mình.
Nếu loài lợn biết rằng mình được chăm bẵm vì mục đích như thế, chúng có còn háu ăn nữa không. Chứng kiến cảnh con lợn lên ngôi thời bao cấp và những khốn khó một thời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã viết cuốn tiểu thuyết rất ấn tượng “Chuyện ngõ nghèo” và nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc. Đến khi phong trào nuôi lợn không phổ biến nữa thì người ta "nuôi" những con lợn đất tiết kiệm, mỗi tuần, mỗi tháng bỏ vào đó một ít tiền, góp gió thành bão sau cũng thành một món tiền khá.
Nhà tôi thuở bé sống ở một nông trường quốc doanh chuyên nuôi lợn giống, lợn thịt nên tôi cũng hiểu loài lợn ít nhiều. Ở nông trường có những chuồng lợn lớn nuôi vài chục con, vào những bữa ăn luôn tạo một khung cảnh ầm ĩ. Lũ lợn đói ăn, kêu rít ầm ĩ, chúng gác chân lên bờ chuồng, chúng hau háu nhìn sang chuồng khác được ăn trước và khi nào cám được đổ đầy vào máng chúng mới chịu yên. Khi ăn thức ăn có nước, lũ lợn vục xuống máng rất mạnh và nhanh, người ta gọi đó là ăn "sốc" vì tiếng động từ việc ăn phát ra rất mạnh. Và một chốc, khi cái bụng đã căng tròn và nặng nề, cả đàn lợn quây quần nằm ngủ, một sự thỏa mãn và no nê, có khi lũ lợn ngủ đến tận bữa ăn tiếp theo mới thức dậy.
Loài lợn, dù có nhiều ưu điểm nhưng cũng không thể xóa đi được định kiến về tính tham ăn tục uống của chúng. Mọi sự so sánh đều khập khiễng và phiến diện nhưng sẽ chẳng hay ho gì khi bị so sánh với đặc tính của lão Trư. Tham thì thâm, bị người ta ghét và chịu những hậu quả nhãn tiền!
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/loai-lon-tham-an-614214/