Loài nấm đáng sợ, mệnh danh là 'răng của quỷ' nhưng lại hữu dụng không tưởng
Có lẽ hình ảnh này làm bạn thấy ghê rợn? Nhưng khi đọc tác dụng của nó thì có thể bạn sẽ thấy yêu nó hơn!
Hình ảnh có thể làm bạn giật mình ghê sợ, nhưng đó chỉ là một loài nấm mọc lên giữa rêu xanh trong các khu rừng lá kim. Vì hình dạng và màu sắc đặc thù mà nó được gọi là nấm răng chảy máu, hay răng của quỷ, hoặc cái tên nghe ngọt ngào là Dâu tây và Kem. Tên khoa học của nó là Hydnellum Peckii.
Nấm răng chảy máu không được coi là thực vật, vì chỉ là những sợi nấm, không có chất diệp lục, không có các cơ quan dinh dưỡng riêng biệt, như rễ, thân, lá v.v…
Thân cây nấm cũng có màu trắng như những loại nấm khác, nhưng bên trong thân nấm mang chất lỏng chứa sắc tố đỏ nổi lên bề mặt, trông như cái răng tứa máu. Khi nấm trưởng thành lại có màu be và bề ngoài khá xỉn màu.
Các nhà khoa học giải thích quá trình "tứa máu" của nấm như sau: Khi đất xung quanh bộ rễ nấm bị ẩm ướt, nước thẩm thấu vào rễ, tạo ra áp suất trong toàn thân. Cuối cùng, áp suất dồn ép đẩy chất lỏng chứa sắc tố lên bề mặt nấm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác được chất lỏng này là gì, nhưng họ biết rằng nó có màu đỏ là do sắc tố được phát hiện trong thân nấm.
Ngoài đặc điểm nổi bật nhất đó, nấm răng chảy máu cũng có mũ nấm. Mũ nấm là nơi sản sinh ra các bào tử. Khi nấm còn non, bề mặt có lông mềm mịn như nhung bao phủ. Khi nấm trưởng thành, lông sẽ rụng đi.
Giống như các loại nấm khác, nấm răng chảy máu cũng là khối sợi nấm liên kết với nhau, chính là hệ thống rễ. Các sợi nấm có thể bò lan rộng trên mặt đất rừng đến hơn 3m.
Loại nấm này thường sống cộng sinh trên thân cây rừng lá kim khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Iran và Hàn Quốc. Cây rừng cung cấp cho nấm nguồn carbon dioxide cố định, trong khi nấm tạo ra các enzym chuyển đổi các axit amin và khoáng chất có trong đất thành các dạng chất mà cây chủ dễ hấp thụ hơn. Nấm răng chảy máu mọc ở đâu là dấu hiệu ở đó là khu rừng già.
Tác dụng của nấm "răng của quỷ"
Tuy nấm răng chảy máu không độc, nhưng nó có vị đắng và mùi khó chịu nên không thể ăn được. Thế nhưng, người ta lấy nấm làm thuốc nhuộm tự nhiên. Nấm được sấy khô để làm thuốc nhuộm màu be hoặc kết hợp nó với chất nhuộm màu tạo ra màu xanh lam-xanh lục, để thuốc nhuộm bám vào vải và các bề mặt khác.
Các nhà khoa học còn phát hiện ra nấm răng chảy máu có chứa hợp chất hóa học atromentin, giống như heparin, có thể sử dụng làm chất chống đông máu ở người, làm cho không hình thành cục máu đông và đặc tính chống vi khuẩn. Vì thế, có thể dùng nó trong điều trị chủng vi khuẩn phổ biến nhất trong bệnh viêm phổi.
Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét thứ hợp chất khác được tìm thấy trong nấm răng chảy máu, là chất axit thelephoric, với hy vọng có thể sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer.
Nguồn bài: AAAS - Nguồn ảnh: Internet