Loại quả được săn lùng vào dịp Tết, kết hợp với mật ong trị ho cực tốt
Đây là loại quả quen thuộc trong mâm ngũ quả trên bàn thờ vào những dịp lễ, tết ở nhiều gia đình.
Cây phật thủ còn được gọi là thanh yên, phật thủ cam (tên tiếng Anh là Finger citron, Buddha hand citron). Tên khoa học Citrus medica L.var. Surcodaetylis (Noot) Swingle, thuộc họ Cam (Rutaceae).
Cây xanh tốt quanh năm, cao 3-4m, có gai. Lá mọc so le, hình trứng, chóp lá hơi tròn, mép có răng cưa nhỏ, gai ngắn mọc ở dưới lá, gốc thuôn. Hoa màu trắng, thường nở vào đầu mùa hạ. Quả chín vào mùa đông, vỏ ngoài có màu sẫm, có nhiều múi dài chạy theo quả. Phía ngọn tách ra trông như những ngón tay chụm lại, nên được gọi là phật thủ.
Ở Việt Nam, phật thủ được trồng thành công chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La…
Theo quan niệm của nhiều người, quả phật thủ tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và cuộc sống lâu dài. Vì thế, loại quả này thường được bày trong mâm ngũ quả ngày Tết truyền thống của nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Phật thủ không được ăn trực tiếp mà dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn ngon bổ dưỡng cũng như các bài thuốc quý. Vỏ ngoài được sử dụng để thêm hương vị cho đồ uống hoặc món ăn.
Nghiên cứu gần đây cho thấy nó có thể làm giảm chứng đau nửa đầu. Từ thời xa xưa, ở Trung Quốc, loại quả này cũng được dùng làm dược liệu để chữa nhiều loại bệnh.
Thời gian gần đây nó đang được coi là một loại trái cây tăng cường sức khỏe với nhiều đặc tính trị liệu. Quả phật thủ có thể không phải là loại trái cây giàu chất dinh dưỡng nhưng nó có lượng vitamin C, canxi và chất xơ cao. Nó không có chất béo, carbohydrate, protein và đường.
Quả phật thủ rất giàu tinh dầu và các hợp chất hữu cơ thơm khác như coumarin, limonin và diosmin. Thành phần hóa học này của nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị nhiều bệnh lý.
Đây là một trong những loại trái cây rất tốt cho sức khỏe. Một số lợi ích sức khỏe của nó là:
Giảm đau
Các hợp chất hữu cơ thơm được tìm thấy trong quả phật thủ như coumarin, limonin, diosmin và bergapten là những chất giảm đau. Chúng cũng có tác dụng chống viêm, giúp giảm sưng và đau.
Trong hàng trăm năm, loại quả này đã được biết đến với đặc tính giảm đau. Nó có thể làm giảm viêm và đau do vết cắt, phẫu thuật, vết bầm tím, vết thương và bong gân
Điều trị các bệnh về đường hô hấp
Quả phật thủ có chứa hợp chất cồn nhẹ có tác dụng điều trị các bệnh về đường hô hấp. Nó giúp loại bỏ ho và đờm từ hầu họng, giảm đau và giúp dễ thở. Nó cũng giúp điều trị hen suyễn ở một mức độ nào đó.
Tăng cường miễn dịch
Những thành phần hóa học có trong loại quả này mang lại hiệu quả tăng cường miễn dịch tuyệt vời.
Có một loại polysaccharide cụ thể được tìm thấy trong trái phật thủ giúp tăng cường hoạt động tiêu diệt vi khuẩn của tế bào bạch cầu. Điều này cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể và ngăn ngừa nhiễm trùng như cảm lạnh và cúm. Vitamin C chống lại nhiễm trùng và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi sinh vật.
Tốt cho tiêu hóa
Đặc tính chống viêm của loại quả này giúp giảm viêm ở những người bị viêm niêm mạc dạ dày và ruột. Nó làm giảm đau, chuột rút và điều trị tiêu chảy.
Bên cạnh đó, một lượng lớn chất xơ giúp tăng sự hấp thụ chất dinh dưỡng trong ruột và làm giảm lưu lượng thức ăn qua ruột già. Nó cũng giúp điều trị táo bón.
Giảm đau bụng kinh
Quả phật thủ là một phương thuốc cổ xưa được sử dụng để điều trị chứng đau bụng kinh, thay đổi tâm trạng và chảy máu. Đặc tính chống oxy hóa và giảm viêm của nó rất có lợi trong việc làm dịu cơ bụng dưới và giảm đau.
5 món ăn bài thuốc hữu hiệu từ quả phật thủ
-Phật thủ và mật ong
Mật ong khi kết hợp với phật thủ sẽ làm vị chua của quả phật thủ dịu lại. Và đây cũng chính là phương thuốc trị ho cho người lớn và trẻ em được nhiều người biết đến.
Cách làm: Phật thủ ngâm muối, rửa sạch, thái hạt lựu. Cho phật thủ vừa cắt vào bát, đổ ngập mật ong, sau đó đem hỗn hợp trên chưng cách thủy cho đến khi phật thủ chín nhừ. Dùng mỗi lần 2 – 3 thìa, dùng mỗi ngày 2 lần. Kiên trì sử dụng cho đến khi cải thiện các chứng ho hoặc bệnh lý tan biến hết.
-Cháo phật thủ
Phật thủ 10 - 15g, gạo tẻ 60 - 80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, cho gạo tẻ đã vo sạch vào nấu cháo, khi chín cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Thích hợp cho người bị sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.
-Ruột lợn hầm phật thủ
Ruột non lợn một đoạn, phật thủ 15 - 30g. Ruột lợn làm sạch, thái đoạn, nấu với phật thủ, thêm gia vị thích hợp. Tuần ăn 2 - 3 lần, dùng liền trong 2 - 3 tuần. Dùng tốt cho phụ nữ bị huyết trắng khí hư.
-Trà phật thủ
Phật thủ 10g rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày 1 lần. Dùng tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi, buồn nôn, nôn.
-Rượu phật thủ
Phật thủ 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 - 10 ngày là được. Mỗi lần uống khoảng 40ml, ngày 2 lần. Thích hợp cho người bị rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế...).
Lưu ý, khi tận dụng trái cây này để làm thuốc, bạn cần chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Cần thận trọng khi tìm mua phật thủ do hiện nay loại quả này được sử dụng để thờ cúng nhiều hơn để làm thuốc nên không tránh khỏi việc mua phải những quả bị phun thuốc để giữ màu và bảo quản quả.
Quả phật thủ cần được rửa sạch bằng nước muối pha loãng trước khi sử dụng để đảm bảo không ẩn chứa các tạp chất gây hại, chất bảo quản ngấm sâu trong quả.
Không sử dụng các phương thuốc từ quả phật thủ cùng với mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi bởi vì mật ong không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ ở độ tuổi này.
Minh Hoa (t/h)