Loài rắn độc có sừng với thân hình béo ú và cách di chuyển kỳ lạ
Mặc dù di chuyển chậm, thân hình ục ịch nhưng rắn hổ lục Gaboon là loài rắn độc sở hữu khả năng săn mồi với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Rắn hổ lục Gaboon là một loài rắn độc thuộc phân họ Viperidae, chúng chủ yếu phân bố ở vùng hạ Sahara (Nam Phi). Đây là loài rắn hổ lục lớn nhất thế giới. Chúng có thể nặng tới 20kg. Đặc biệt, loài rắn này có phần thân giữa béo tròn thay vì thuôn dài như các loài rắn khác.
Trên mũi rắn có hai chiếc sừng nhỏ tạo nên ngoại hình kỳ dị. Đây cũng là loài rắn độc có răng nanh dài nhất thế giới trong họ rắn độc (hơn 5cm). Do vậy, liều lượng nọc độc của rắn hổ lục Gaboon cao hơn bất kỳ loài rắn độc nào khác.
Với hoa văn đặc biệt hòa vào lớp lá khô, rắn hổ lục Gaboon dễ dàng ngụy trang trong môi trường sống. Các sinh vật khác khó lòng nhận ra sự có mặt của nó.
Ngoài ra, cách di chuyển của loài rắn này cũng vô cùng khác biệt. Thay vì uốn lượn, trườn bò giống các loài rắn thông thường, rắn hổ lục nhích thân mình theo một đường thẳng. Chuyển động này tương tự cách di chuyển của những con sâu róm. Chính vì thế mà tốc độ di chuyển của rắn hổ lục khá chậm. Chúng thường chỉ nằm bất động để phục kích con mồi.
Khi con mồi xuất hiện, rắn hổ lục tấn công rất nhanh với độ chính xác cao ở bất kỳ góc độ nào. Một khi tấn công con mồi, chúng ngoạm chặt bằng cặp răng nanh dài hơn 5cm của mình và chờ đợi con mồi chết.
Công Hiếu (t/h)