Mới đây, trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã thực hiện nhân giống thành công loài sa mu dầu thu từ tự nhiên, ươm trong bầu đất phối trộn với các thành phần giá thể khác nhau.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ kỹ thuật, quản lý của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, xây dựng kế hoạch chuyển giao nguồn giống sa mu dầu cho các cơ quan, đơn vị nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loài cây này.
Đến nay kết quả bước đầu cho thấy, hạt sa mu dầu được kiểm nghiệm có độ thuần trung bình đạt 70,3% (không bị lai tạo) và được xử lý ngâm nước ấm 60 độ C cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất 30,33%.
Công thức che sáng 25% cho sinh trưởng của cây sa mu dầu trong giai đoạn vườn ươm đến 4 tháng tuổi có tỷ lệ sống cao nhất đến 96%.
Sa mu dầu có tên khoa học Cunninghamia konishii (còn được gọi là Sa mộc dầu; Mạy lâng lênh, Mạy lung linh, Sa mộc quế phong) là một loài thực vật hạt trần trong họ Cupressaceae.
Sa mu dầu là loài cây thân gỗ lá kim, có thể cao tới 40m hoặc hơn. Đường kính thân trung bình 80cm. Cây sa mu dầu lớn nhất được ghi nhận cao tới 50m, đường kính thân tới 5.5m với tuổi đời 1500 năm (thông tin chưa xác nhận). Tuổi đời trung bình của sa mu dầu cũng khá cao, khoảng 800 năm.
Gỗ sa mu dầu được xếp vào gỗ cứng nhóm I trong bảng 8 nhóm gỗ của Việt Nam, cùng với nhiều loài gỗ khác như trắc, muồng, hoàng đàn, cẩm lai.
Sa mu dầu là loài có gỗ nhẹ, chắc, thơm và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, số lượng của loài sa mu dầu còn lại rất ít và phân bố trong những vùng sinh thái khá hẹp.
Sa mu dầu trên thế giới được xếp vào nhóm loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng do diện tích quần thể bị suy giảm quá 50% và liên tục. Sa mu dầu tại Việt nam cũng được xếp vào loài sắp bị tuyệt chủng theo Nghị định 160/213/NĐ-CP.
Sa mu dầu mọc rải rác thành các quần thể nhỏ trong rừng nguyên sinh thuộc kiểu rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng, lá kim ẩm á nhiệt đới núi thấp hoặc núi trung bình trên đất phong hóa từ granit hoặc các đá mẹ silicat khác ở độ cao 960-2.000 m so với mặt nước biển.
Trước đây, nhiều công trình công bố của Đài Loan có khẳng định: Loài này là một loài đặc hữu của đất nước Đài Loan phân bố ở độ cao trên 800 m.
Nhiều công trình nghiên cứu về loài sa mu dầu ở trong nước đã nhận định khả năng tái sinh tự nhiên của loài rất kém.
Mời các bạn xem video: Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại các quốc gia ít dân nhất thế giới. Nguồn: VTC.
Thùy Dung (T.H)