Sứa hộp hay còn được gọi là “Ong bắp cày biển” hoặc Sâu biển, sinh sống chủ yếu ở những vùng biển ven bờ Bắc Úc và dọc khắp vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Sinh vật này có màu xanh nhạt và gần như trong suốt, cái tên Sứa hộp cũng bắt nguồn từ vẻ bề ngoài giống như một khối hình lập phương của chúng.
Loài động vật không xương sống này sở hữu tới 15 xúc tu phát triển quanh cơ thể và có thể đạt đến chiều dài 3 mét. Mỗi xúc tu chứa khoảng 5.000 tế bào ngòi độc và nọc độc.
Vì vậy khi muốn tấn công kẻ thù Sứa hộp không nhất thiết phải chạm vào mà vẫn có thể phóng độc từ khoảng cách rất xa. Đặc biệt, kẻ “sát thủ vô hình” này có thể hạ gục được 60 người chỉ trong vòng vài phút. Thậm chí, giới khoa học đã chứng minh loài sứa này sở hữu nọc độc gấp 100 lần rắn hổ mang và 1.000 lần nhện đen sát thủ, vì vậy, nó có khả năng giết người rất khủng khiếp.
Sứa hộp là loài tiến hóa cao nhất trong các loài Sứa. Chúng đã phát triển được khả năng di chuyển hơn là chỉ trôi dạt. Đặc biệt, Sứa hộp được ban tặng tới tận 24 con mắt được chia làm các cụm trải đều ở bốn mặt trên thân hình lập phương của chúng.
Mỗi cụm bao gồm một đôi mắt với một thấu kính khá phức tạp, võng mạc, tròng mắt và giác mạc. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về cách Sứa hộp xử lý những gì chúng nhìn thấy vì thực tế chúng không hề có hệ thống thần kinh trung tâm.
Độc tố từ Sứa hộp có thể khiến con người cảm thấy rất đau, thậm chí có thể gây nguy hiểm khi độc tố có thể có tác động nặng nề lên tim và hệ thần kinh.
Khi chẳng may bị nhiễm độc từ Sứa hộp, nạn nhân rất có thể sẽ bị sốc, từ đó dẫn tới chết đuối. Trường hợp khác thì gặp các vấn đề về tim, làm suy tim và nếu không kịp xử lý thì cũng sẽ dẫn tới tử vong. Theo nhiều ghi nhận, độc tố từ Sứa hộp có thể lấy mạng một người trong khoảng 60 phút.
Bên cạnh đó, ít ai ngờ rằng đến... tinh trùng của Sứa hộp cũng mang một cái tên hết sức kinh dị. Khoa học gọi đó là "harpoon-armed sperm" - tạm dịch là "tinh trùng phóng lao".
"Harpoon" là tên của cây lao khổng lồ dùng để săn cá voi. Nó có đầu nhọn, nhưng các ngạnh tõe ra để khi cắm vào thịt cũng không dễ dàng rút ra. Ở Sứa hộp, con đực và con cái không chạm vào nhau khi giao phối.
Thay vào đó, Sứa đực sẽ thải ra một lượng lớn tinh trùng vào nước biển. Số tinh trùng này sẽ bơi đến, bám vào cơ quan sinh dục của Sứa cái. Chúng gần như không thể rút ra nhờ cấu tạo kinh hoàng như trên để đảm bảo quá trình thụ tinh diễn ra thành công.
Giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra là: nếu thấy con cái đi qua, chúng sẽ tặng cho "bạn gái" một quả bom tinh trùng thông qua xúc tu. Một khi tiếp xúc được với con cái, số tinh trùng này sẽ "phóng lao", cắm thẳng vào cơ quan sinh dục của con cái rồi tiến vào để thụ tinh.
Mời các bạn xem video: Top 10 Loài Động Vật Sống Lâu Nhất Trái Đất. Nguồn: Yan News.
Thùy Dung (T.H)