"Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander-K phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và mục tiêu then chốt đối phương một cách dễ dàng, với độ chính xác cao nhất. Nó có khả năng bắn không trượt phát nào từ khoảng cách hàng trăm km", kênh truyền hình quân đội Nga Zvezda m cho biết.
Trong video, xe chở đạn kiêm bệ phóng của hệ thống Iskander di chuyển với tốc độ cao đến địa điểm phóng trong rừng.
Xe chuyển từ trạng thái hành quân sang sẵn sàng phóng đạn chỉ trong vài phút, trước khi kíp vận hành tiếp nhận mục tiêu từ lực lượng tình báo và trinh sát.
Một tên lửa hành trình 9M728 được phóng lên, nhanh chóng lấy độ cao và lao về phía mục tiêu.
Truyền hình quân đội Nga không công bố hình ảnh tên lửa đánh trúng đích, nhưng khẳng định dữ liệu giám sát từ máy bay không người lái (UAV) đã xác nhận độ chính xác của đòn tập kích.
"Các mục tiêu bao gồm sân bay, kho đạn, cầu phao, vị trí tập trung binh lực và khí tài đối phương.... Độ chính xác luôn đạt mức tối đa, chúng tôi chưa bao giờ bắn trượt mục tiêu", Dmitry, chỉ huy kíp vận hành tên lửa Iskander-K, cho hay.
Quân đội Nga đang biên chế hệ thống Iskander với phiên bản tên lửa đạn đạo Iskander-M và tên lửa hành trình Iskander-K.
Cả hai biến thể đều đang được sử dụng rộng rãi suốt hơn 4 tháng chiến sự tại Ukraine. Tuy nhiên phiên bản Iskander-M được cho là tác chiến với hiệu quả không như mong đợi.
Iskander là dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới nhất của Nga, chúng được phát triển với hai phiên bản: Iskander-M có tầm chiến đấu từ 500km, trong khi phiên bản Iskander-K có tầm bắn 1.500km, khi lắp đạn mới có thể đạt tầm bắn lên tới 5.000km.
Được phát triển trên nền tảng của Iskander-M, hệ thống tên lửa hành trình mặt đất Iskander-K còn đáng sợ hơn nhiều phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất của Mỹ
Tầm bắn xa, khả năng tấn công chính xác, khó đánh chặn là những gì mà người ta nói về hệ thống Iskander-K của Nga.
So với phiên bản chính, hệ thống tên lửa hành trình Iskander-K trang bị đạn nhỏ gọn hơn nhưng lại có độ chính xác cao hơn và tầm bắn xa hơn.
Iskander-K sử dụng đạn tên lửa hành trình R-500, đây là loại tên lửa có thể lắp cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân khi cần thiết, biến chúng thành một vũ khí cực kỳ đáng sợ.
Tên lửa R-500 có thể mang đầu đạn nặng tới 500kg, tầm bay lên tới 1.500 km.
Vừa có thể bay quãng đường cực xa, độ sai số mục tiêu của nó lại cực nhỏ, chỉ vào khoảng 5-7m
Nhiều chuyên gia còn cho biết có thể Iskander K sẽ có vận tốc tối đa lên tới Mach 5
Phiên bản R-500 ngoài trang bị đầu đạn thông thường thì chúng còn có thể gắn đầu đạn hạt nhân có sức mạnh tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT.
Trần bay của tên lửa rất cao, lên tới 50km. Với vận tốc và trần bay này, việc đánh chặn loại tên lửa trở thành nhiệm vụ bất khả thi.
Hệ thống Iskander-K có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang chiến đấu chỉ trong 16 phút. Thời gian giữa hai lần phóng chỉ chưa đầy 1 phút.
Hệ thống này cũng có thể rời trận địa chỉ vài phút sau khi khai hỏa, khiến đối phương không thể phát hiện và đánh trả.
Hệ thống ống phóng tên lửa được đặt trên xe chuyên dụng trang bị động cơ YaMZ-846 công suất 500 mã lực. Xe có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 70km, tầm hoạt động lên tới 1000km.
Với đặc điểm gọn nhẹ, nên hệ thống này dễ dàng vận chuyển và ngụy trang. Điều đáng sợ là hệ thống Iskander-K có thể trang bị đạn tên lửa hành trình 9M729 mới được Nga phát triển.
Loại đạn này từng được tướng John Hyten, thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ nhắc đến như sau: "Nga đã âm thầm phát triển và đưa vào trang bị 9M729 ngay từ khi Hiệp ước INF còn hiệu lực. Giờ Nga đã công khai sử dụng loại đạn này"
"Rõ ràng, tên lửa 9M729 đang gây nguy hiểm với châu Âu và lực lượng Mỹ tại đây bởi tầm bắn của tên lửa này lên tới trên 5.000km và chúng nó có thể mang được nhiều loại đầu đạn khác nhau bao gồm cả đầu đạn hạt nhân", vị tướng Mỹ nhấn mạnh.
Sự lo lắng của vị tướng Mỹ không phải không có cơ sở, khi mà đạn 9M729 được hiện đại hóa từ đạn 9M728 để tăng sức mạnh của bộ phận chiến đấu, cũng như nâng cao các tính năng về độ chính xác.
Các tên lửa 9M729 chính là bản mặt đất của tên lửa Kalibr-NK. Chúng được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường dựa trên quán tính với cảm ứng Doppler điều chỉnh góc tấn công theo hệ thống định vị vệ tinh Glonass và GPS.
Trong giai đoạn cuối, đầu tự dẫn radar chủ động trên tên lửa sẽ được kích hoạt, tự động tìm kiếm và lao vào tấn công mục tiêu bằng đầu đạn thông thường nặng khoảng 500kg.
Về thiết kế, 9M729 được sản xuất theo nguyên lý khí động học thông thường với hai cánh được gấp lại trong thân khi di chuyển.
Đạn tên lửa 9M729 có thể dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không của đối phương bằng hành trình bay phức tạp với nhiều lần chuyển hướng ở các độ cao khác nhau.
Điểm khác biệt duy nhất giúp 9M729 khẳng định được uy lực so với phiên bản Kalibr-NK lắp đặt trên tàu chiến chính là tầm bắn.
Nếu như Kalibr-NK có tầm bắn tối đa khoảng 2.500 km thì 9M729 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến trên 5.000km.
Với tầm bắn này, lực lượng tên lửa Nga sở hữu loại đạn bắn xa hơn gấp đôi so với phiên bản Tomahawk trên cạn được Mỹ tuyên bố đang hoàn thiện.
Việt Hùng