Loại trừ '2 cấp', chưa hẳn chấm dứt bệnh phong
Bình Thuận đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh và đang tiếp tục kế hoạch loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Tuy nhiên, việc này không ý nghĩa, bệnh nhân phong mới trong cộng đồng không còn nữa.
Loại trừ
Loại trừ dần
10 tháng của năm 2019, toàn tỉnh phát hiện thêm 4 bệnh nhân phong mới. Nâng tổng số bệnh nhân đang quản lý là 438 người. Trong đó, 411 bệnh nhân bị tàn tật nặng, cần tiếp nhận sự chăm sóc suốt đời. Mỗi năm, Bệnh viện Da liễu tỉnh tiếp nhận điều trị nội trú miễn phí hơn 150 lượt bệnh nhân phong bị tàn tật. Trước đây, Bình Thuận là một trong những tỉnh có dịch tễ bệnh phong cao nhất cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây tình hình dịch tễ bệnh phong giảm dần. Năm 2015, Bộ Y tế công nhận Bình Thuận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh, với kết quả 280/280 điểm, đạt loại xuất sắc. Tiếp đó, ngành y tế tỉnh tiến tới loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện giai đoạn 2016-2020. Lộ trình loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện là Phú Quý, Đức Linh, Tánh Linh (năm 2018); Phan Thiết (2019); Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và La Gi (2020). Dự kiến, Bắc Bình sẽ loại trừ bệnh phong năm 2022.
Theo Thông tư số 17/2013 của Bộ Y tế, tỷ lệ lưu hành dưới 0,2/10.000 dân thì xem như loại trừ được bệnh phong. Mặc dù Bình Thuận đã loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh và đang tiếp tục loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Mục tiêu cuối cùng là thanh toán bệnh phong. Tuy nhiên, bệnh nhân phong mới hàng năm vẫn được phát hiện. Trực khuẩn gây bệnh phong vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng. Nghĩa là bệnh nhân phong mới vẫn có thể được phát hiện. Vì vậy, các hoạt động và mạng lưới phòng chống bệnh phong cần phải duy trì. Bác sĩ Lê Huỳnh Phúc (Giám đốc Bệnh viện Da liễu Bình Thuận) khẳng định.
Nhưng chăm sóc suốt đời
Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn A, 48 tuổi tại Tánh Linh, bị tàn tật mức độ II (hở mi, cụt rụt các ngón chân và lỗ đáo). Đây là mức độ tàn tật nặng, không có khả năng lao động và cần sự chăm sóc, điều trị tàn tật suốt đời. Ông A. cho biết: “Do cuộc sống mưu sinh, không điều trị sớm. Khi đến bác sĩ, bệnh tôi trở nặng, dẫn đến di chứng tàn tật. Hiện nay, tôi vẫn sinh hoạt bình thường ở gia đình, cũng không ngại ngần gì khi tiếp xúc mọi người xung quanh. Chi phí sinh hoạt hằng ngày tôi đều phụ thuộc vào gia đình”. Tương tự trường hợp ông A, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có nhiều bệnh nhân phong tàn tật và đời sống kinh tế khó khăn.
Theo bác sĩ Phúc, Bình Thuận đã và đang đạt được một số thành quả nhất định trong tiến trình loại trừ bệnh phong. Song, số lượng bệnh nhân phong tàn tật khá cao, cần được chăm sóc suốt đời. Bởi bệnh này dễ gây kỳ thị và phải điều trị lâu dài. Phần lớn bệnh nhân phong đều khó khăn về kinh tế, ít nhiều ảnh hưởng công tác phòng chống tàn tật, mặc dù Nhà nước hằng năm hỗ trợ kinh phí hoạt động phòng chống bệnh phong. Bên cạnh đó, Tổ chức phi Chính phủ (OMF) cũng hỗ trợ để điều trị lỗ đáo, phẫu thuật chỉnh hình cho bệnh nhân phong.
Chung tay giúp đỡ
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh phong, trong thời gian tới, Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện và Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp tục truyền thông giáo dục sức khỏe, khám phát hiện, điều trị, quản lý bệnh nhân phong nhằm phòng chống tàn tật, phục hồi chức năng, vận động bệnh nhân phong bị lỗ đáo viêm xương; hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Đồng thời, bệnh viện hỗ trợ các huyện tháo gỡ các khó khăn trong tiến trình loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện.
Với bệnh nhân phong tàn tật nặng có hoàn cảnh khó khăn, Bệnh viện Da liễu Bình Thuận kêu gọi sự chung tay của cộng đồng, chính quyền địa phương tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ các bệnh nhân này mua thẻ bảo hiểm y tế, cho vay vốn lập nghiệp, hỗ trợ học nghề… để vượt qua khó khăn, mặc cảm, cải thiện mức thu nhập và hòa nhập cộng đồng.
Trang Hiếu