Loại trừ hay bổ sung?

Trong bối cảnh cuộc chiến 'nồi da nấu thịt' giữa Ngụy, Thục, Ngô diễn ra đang ở hồi quyết liệt, Chu Du, Gia Cát Lượng - hai 'bộ óc' của Thục, Ngô đang 'thi triển' những 'chiêu pháp' ghê gớm nhất, thật không may, Chu Du mắc bạo bệnh. Trước khi chết, hận đến tột cùng, Chu Du ngẩng mặt lên trời thốt lên câu nói để đời: 'Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng!'. Mang tính phổ quát rộng rãi, đến nỗi, ở thời hiện đại vẫn thấy lời cảm thán này thốt ra ở không ít người.

Ý câu nói trên vẫn được nhiều người ở thời toàn cầu hóa hôm nay hiểu gần như trùng với cụm từ "không đội trời chung". Liệu có thỏa đáng không?

Tranh minh họa cảnh Lý Bạch gặp Đỗ Phủ.

Tranh minh họa cảnh Lý Bạch gặp Đỗ Phủ.

Là người nhiều tham vọng, có tài, cơ hội lại đang mở ra, nhưng vào thế "lực bất tòng tâm", Chu Du càng đau. Bởi khi đó, chỉ có Lượng là có thể "địch" lại Du. Hai hổ lớn không chung một rừng. Hai gà trống lớn không chung một chuồng. Hai cá lớn không chung một chậu. Có thể gọi mối quan hệ Chu Du - Gia Cát là "một mất một còn"?!

Nhưng nhìn từ triết học về các mối quan hệ thì các sự vật, hiện tượng, nhờ đối lập gay gắt mà chúng vừa loại trừ nhau, vừa bổ sung cho nhau. Nhờ có Gia Cát "đối cực" thì Chu Du mới thể hiện được hết tài năng, phẩm chất. Như vậy là vẫn "chung một trời" chứ không phải là "không đội trời chung"!?

Lão Tử người nước Sở (nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc), họ Lý, tên Nhĩ, húy Đam, thời nhà Chu, nổi tiếng là một ẩn sĩ kiệt xuất. Học cao, biết rộng, trí tuệ uyên thâm, trước khi lẳng lặng cưỡi trâu vào núi, ông để lại cuốn "Đạo đức kinh". Người đời sau tôn ông là Tổ của Đạo giáo. Một lần hai bậc kỳ tài Khổng Tử và Lão Tử gặp nhau. Lão Tử hỏi sách Khổng Tử viết về cái gì, Khổng Tử đáp: "Nhân Nghĩa".

Lão Tử nói: "Nhân nghĩa giống như muỗi rận cắn người, chỉ mê hoặc lòng người, làm phiền não và hỗn loạn. Con thiên nga kia, đâu cần tắm rửa mà vẫn trắng như tuyết. Con quạ kia, không nhuộm lông mà tự nhiên đen. Trời vốn cao, đất vốn dày, cũng như mọi sự vốn đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ ban đầu đã khác nhau. Khi đã tu Đạo chỉ cần đi theo quy luật tự nhiên, ắt sẽ đắc Đạo, còn nói nhân nghĩa để làm gì?".

Là người được cả thiên hạ kính nể tôn vào hàng Thầy lớn, thế mà nghe Lão Tử nói, Khổng Tử không hề tự ái, về nhà 3 ngày không nói, học trò hỏi lý do. Khổng Tử ngậm ngùi: "Chim bay, ta dùng cung tên bắn. Cá bơi, ta dùng lưỡi câu. Thú chạy, ta có thể dùng lưới bắt. Nhưng con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta sinh thời được gặp Lão Tử, ông ấy như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi! Ông đúng là Thầy của ta!". Câu nói này càng tôn Khổng Tử lên cao muôn trùng thiên hạ. Vì đã giỏi, lại còn khiêm tốn. Thì ra với các thiên tài, họ kính trọng nhau thực sự, dù khác nhau như nước với lửa, nhưng vẫn "đội trời chung". Vì họ coi nhau là "tấm gương soi" để học tập, để càng khác nhau, thì càng lớn!

Thời Đường (Trung Quốc) có hai ngọn núi thi ca là "Thi tiên" Lý Bạch với phong cách hào phóng, bay bổng, tự nhiên, tinh tế, giàu có ước mơ, lý tưởng, tình cảm phong phú, mãnh liệt, là sự thống nhất cái cao cả và cái đẹp. Ngược hẳn Lý Bạch, thơ Đỗ Phủ là bức tranh hiện thực sinh động, chân xác đến mức có người gọi là "thi sử" (viết sử bằng thơ). Thơ Đỗ Phủ chan chứa tình yêu nước, yêu dân, sâu sắc tinh thần nhân đạo. Đời sau phong ông là "Thi thánh". Hai phong cách đối lập nhau trong thơ nhưng ngoài đời họ từng là bạn, cảm phục, liên tài. Như vậy, họ bổ sung cho nhau để tạo ra hai trường phái Đường thi thời đó. Nếu thơ họ giống nhau, thì chẳng có gì đáng bàn.

Sau này nước Anh có đại thi hào Shakespeare, vĩ đại đến mức tạo ra cả một ngành học ("Shakespeare học"). Thế nhưng tiếp nhận văn chương nghệ thuật không hề thuần nhất, ngay với cả các bậc thầy tầm thế giới. Đại thi hào Voltaire mỗi khi nhắc đến Shakespeare "lại thấy sôi máu" giận dữ. Leo Tolstoy đọc Shakespeare mà thấy "tuyệt vọng". Có lần Leo Tolstoy bảo người bạn thân Chekhov: "Tôi không thể nào chịu nổi các vở kịch của Shakespeare. Nhưng các vở kịch của anh còn tệ hơn thế nữa". Trong khi đó Chekhov vẫn được người đời xưng tụng.

Người ta vẫn thường kể những câu chuyện vui chung quanh nhà văn Mark Twain và nhà phê bình William Dean Howells. Mark Twain rất ghét Jane Austen - tác giả của "Kiêu hãnh và định kiến" nổi tiếng, đến mức "chỉ muốn đào mả mụ ta lên". William Dean Howells lại rất hâm mộ Jane Austen. Mark Twain chê bạn mình "có gu văn chương tồi tệ". Đáp lại, khi nào Mark Twain dở trời đau ốm, Howells lại dọa sẽ đến tận nhà thăm và đọc… "Kiêu hãnh và định kiến" cho nghe. Mark Twain sợ quá mà tự khỏi bệnh!

Hemingway nhận giải Nobel 1950, Faulkner giành giải Nobel 1954. Cùng thời nhưng trái ngược phong cách. Faulkner với thi pháp "dòng ý thức" nên viết những câu văn dài "kinh khủng". Theo nguyên lý "tảng băng trôi", văn Hemingway lại ngắn gọn, đơn giản, khúc chiết. Thế là Faulkner có hẳn một bài viết giễu nhại Hemingway dùng từ thiếu sáng tạo. Hemingway lại chê Faulkner không hiểu "những cảm xúc phức tạp không cần đến ngôn từ phức tạp"…

Như một quy luật, phản tiếp nhận cũng là một cách tiếp nhận, vì để "chê" người thì phải biết người có gì đáng chê đã, tức là đã "tiếp nhận" rồi. Thế nên cần coi các nhà tư tưởng, các nhà văn có "chê" nhau thì đó cũng là cách để khẳng định mình, chứ (phần nhiều) không có ý phủ nhận, hạ bệ đối phương. Có thể không ưa nhau vì cá tính ngoài đời và phong cách văn chương nhưng họ vẫn "đọc" nhau để càng "xa" nhau. Đó là điều may mắn cho văn hóa nhân loại!

Màn đấu khẩu giữa hai huấn luyện viên Mourinho và Wenger.

Màn đấu khẩu giữa hai huấn luyện viên Mourinho và Wenger.

Hiện tượng mang tính quy luật trên thể hiện rõ trong thế giới bóng đá. Ví như hai huấn luyện viên nổi tiếng người Argentina là Cesar Menotti và Carlos Bilardo. Cùng đoạt chức vô địch thế giới khi là cầu thủ, khi là huấn luyện viên họ theo đuổi những triết lý bóng đá hoàn toàn trái ngược. Menotti thích phong cách tấn công bốc lửa thì Bilardo lại đặt yếu tố an toàn lên trên hết, nên họ ghét nhau ra mặt. Tương tự, huấn luyện viên Mourinho ghét cay ghét đắng Wenger. Alex Ferguson coi Wenger là "kỳ phùng địch thủ". Nhưng khi cùng "nghỉ hưu" thì họ rất tôn trọng nhau. Thế là chính sự "ghét nhau" của họ mới làm nên sự hấp dẫn của bóng đá. Giả sử họ "yêu" nhau, cùng "trường phái"…, chắc chắn, sân bóng sẽ vắng người!

Trong tiếng Anh, "archenemy" (không đội trời chung) có gốc từ tiếng Hy Lạp "arkhos" nghĩa là "quan trọng nhất". Hiểu rộng ra, nếu ai đó có cái "quan trọng nhất" tức cá tính riêng mà bị người khác ghét, thì là niềm tự hào. Chỉ sợ không có cái riêng mà thôi!

Tại sao có hiện tượng trên? Bắt đầu từ bản năng sinh tồn của động vật. Khoa học sinh vật cho biết, không chỉ có loài tu hú mà còn ở nhiều loài chim khác, chim non mới nở đã tìm cách đẩy các quả trứng còn lại hoặc chim non anh em ra khỏi tổ để độc chiếm thức ăn từ chim bố mẹ. Ở con người bản năng sinh tồn thể hiện sự đố kỵ, không muốn ai hơn mình, mà phải "lụn bại" đi… Ở giới nhà văn cũng có điều ấy, nhưng như ở trên, với các nhân cách lớn thì đó là sự bổ sung cho nhau để cùng "đội trời chung" chứ không "một mất một còn". Vì thế, nhiều khi nhờ cái ghét của đồng nghiệp, có khi lại là động lực sáng tác vươn lên, vượt lên, khác đi.

Một cơ sở triết học của "đối thoại văn hóa" toàn cầu hôm nay là thành tựu từ các trường phái khoa học vật lý lý thuyết và toán học trong những năm nửa cuối thế kỷ XX. Tiêu biểu là nghiên cứu của nhà bác học Niels Bohr (1885 - 1962) người Đan Mạch, Nobel vật lý 1922, với "Nguyên tắc bổ sung" (Complementarity Principle) coi "Trái ngược không phải là mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau", vì thế những gì từng được coi là "trời, vực" cần được san sẻ để tạo ra sự cân bằng. Do vậy phải biết chấp nhận, thậm chí dung hòa cái khác mình. Trên cơ sở đó nhu cầu đối thoại ngày càng được mở rộng để hiểu biết thêm trên tinh thần bình đẳng, dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe nhau, kể cả những điều "nghịch nhĩ", dị biệt!

Vì vậy, ở thời đối thoại hôm nay, cụm từ "không đội trời chung", "một mất một còn" không nên được dùng phổ biến (trừ các cuộc chiến tranh vũ lực). Thực ra điều này triết học phương Đông cổ đã nói trong mô hình "Thái cực đồ", âm dương trái ngược nhưng không mâu thuẫn, mà bổ sung cho nhau, trong âm có dương và ngược lại, để cùng "đội trời chung". Ngành du lịch nhiều nơi trên thế giới đang gặt hái thành công vì "đánh trúng" tâm lý khách hàng: muốn đi đến những nơi thật khác biệt!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/loai-tru-hay-bo-sung--i736286/