Loài vật nguy hiểm xuất hiện sau bão, chuyên gia lên tiếng cảnh báo
Loài vật này có nọc độc vô cùng mạnh, gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Một người bắt rắn ở New South Wales, Úc đã đăng cảnh báo tới những người đi biển sau cơn bão lớn ven biển vào cuối tuần. Người bắt rắn ở Vịnh Byron đã đăng hình ảnh này lên Facebook về một con rắn biển bụng vàng cực độc bị mắc cạn trên cát.
Người bắt rắn cảnh báo rằng rắn biển và rùa thường được tìm thấy trên đất liền sau cơn bão. "Xin đừng cố thả những thứ này về lại tự nhiên, nếu bạn tìm thấy một con rắn biển, hãy vẽ một vòng tròn xung quanh nó để những người khác có thể nhìn thấy", người bắt rắn viết.
"Động vật phải được đánh giá trước khi thả về biển", người này nói thêm. Thay vào đó, mọi người nên liên hệ với người bắt rắn hoặc nhân viên cứu hộ động vật hoang dã tại địa phương.
Rắn biển bụng vàng, hay còn gọi là đẻn đuôi vàng (danh pháp khoa học: Hydrophis platurus), là một loài rắn biển độc sống ở các vùng biển nhiệt đới trên toàn thế giới, ngoại trừ Đại Tây Dương. Loài rắn này có vẻ ngoài đặc trưng với phần bụng màu vàng sáng nổi bật trên nền lưng sẫm màu.
Cơ thể dài, thon gọn, đuôi dẹp như mái chèo giúp chúng bơi lội dễ dàng trong nước. Bụng màu vàng tươi, lưng màu xám xanh, có những sọc ngang màu vàng nhạt. Chiều dài trung bình khoảng 60-80cm, nhưng có thể đạt tới 1m. Rắn biển bụng vàng có nọc độc mạnh, cắn của chúng có thể gây đau đớn dữ dội, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Rắn biển bụng vàng thường sống ở các vùng biển nhiệt đới, gần các rạn san hô, cửa sông và các vùng nước nông. Chúng là loài rắn biển sống hoàn toàn dưới nước và rất ít khi lên bờ. Tuy nhiên, thường do ảnh hưởng của những cơn bão, loài vật này sẽ bị cuốn theo những đợt sóng, gió vào bờ biển.
Rắn biển bụng vàng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Chúng giúp kiểm soát số lượng cá nhỏ, duy trì sự cân bằng sinh thái của các rạn san hô.