Loài vật quý hiếm bậc nhất, tuyệt tích hàng trăm năm bất ngờ trở lại: Có loài 'hồi sinh' kỳ diệu ở Việt Nam, chấn động cả thế giới
Nhiều loài động vật tưởng chừng đã không còn trên Trái đất nhưng rồi lại bỗng dưng xuất hiện khiến thế giới ngỡ ngàng.
Mèo túi hổ: Loài vật quý hiếm tưởng tuyệt chủng hơn 100 năm

Cá thể mèo túi hổ người nông dân Pao Ling Tsai tìm thấy ở Nam Úc.
Năm 2023, một nông dân ở Úc tên Pao Ling Tsai đã vô tình phát hiện một loài vật quý hiếm trong lúc đặt bẫy "thủ phạm" giết đàn gà nhà mình. Loài Tsai tìm thấy chính là mèo túi hổ, loài động vật có vú trong chi Mèo túi. Mèo túi hổ được nhìn thấy lần cuối ở Nam Úc cách đây hơn 100 năm, nhiều chuyên gia đánh giá loài vật đã tuyệt chủng ở khu vực này.
"Tôi tưởng mình đã bắt được một con mèo, nhưng khi thấy nó, tôi còn không biết đó thực sự là con gì. Thật tuyệt vời khi một thứ chúng ta nghĩ đã tuyệt chủng lại xuất hiện ngay trước cửa nhà mình", người nông dân này cho biết.

Hình ảnh mèo túi hổ trong môi trường tự nhiên.
Theo kiểm lâm Ross Anderson, Cơ quan Công viên và Động vật hoang dã của Úc đã vô cùng ngạc nhiên trước sự xuất hiện trở lại của loài vật này ở Nam Úc. Cơ quan này đã tiến hành xét nghiệm lấy mẫu DNA, lắp đặt một số camera quan sát ban đêm để tìm thêm các cá thể mèo túi hổ tại khu vực này và thả con mèo túi hổ này trở lại tự nhiên.
"Có tin truyền miệng về việc loài vật này xuất hiện vào những năm 1970-1980 nhưng những ghi chép chính thức cuối cùng là từ những năm 1880. Chúng được coi là tuyệt chủng ở Nam Úc do mất môi trường sống, trở thành con mồi cho các loài vật khác. Chúng tôi không chắc chắn con mèo túi hổ được tìm thấy đến từ đâu, được nuôi nhốt hay sống đơn độc trong tự nhiên", Ross Anderson nói.
Mèo túi hổ ở Australia là loài thú có túi ăn thịt lớn nhất ở lục địa Úc và là một trong những loài động vật có túi ăn thịt lớn nhất thế giới. Loài vật này chiều dài cơ thể lên tới 75 cm và đuôi dài 50 cm, trọng lượng tối đa 7kg. Chúng có bộ lông màu nâu sẫm hoặc đen với những đốm trắng đặc trưng, giúp ngụy trang trong môi trường rừng rậm. Khác với nhiều loài thú có túi khác, con cái chỉ có một cái túi nhỏ phát triển trong mùa sinh sản.
Khác với vẻ bề ngoài "vô hại", mèo túi hổ có bản tính hung dữ và thường săn mồi vào ban đêm. Chúng leo trèo cực kỳ giỏi và có thể tấn công con mồi lớn hơn nhờ hàm răng sắc nhọn, đó là lý do mèo túi hổ được mệnh danh là "sát thủ", "quái vật". Thức ăn của chúng bao gồm động vật gặm nhấm, chim nhỏ, côn trùng, thậm chí cả loài bò sát và động vật có túi nhỏ.
Vì phần lớn con mồi đều sống trên cây nên loài vật này cũng có khả năng leo cây. Chúng thường phải cạnh tranh với các loài ăn thịt khác tại lục địa Úc như cáo, mèo, chó hoang… và trở thành con mồi của đại bàng đuôi nhọn, trăn lớn. Mèo túi hổ sống trong nhiều môi trường, nhưng có vẻ thích rừng ẩm ướt như rừng nhiệt đới và rừng bạch đàn. Sau khi săn mồi vào ban đêm, mèo túi hổ nghỉ ngơi vào ban ngày trong các hang ngầm, khe đá, hốc cây, hố rỗng…
Loài vật quý hiếm này có tuổi thọ khá ngắn, chỉ khoảng 3-5 năm khi sống trong môi trường tự nhiên. Mèo túi hổ được xếp vào nhóm "nguy cấp" trong Sách Đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế do có rất ít cá thể được tìm thấy.
Thỏ đuôi bông: Loài vật quý hiếm tưởng tuyệt chủng hơn 100 năm tái xuất

Hình ảnh mới nhất được ghi lại của thỏ đuôi bông Omilteme sau hơn 1 thế kỷ. (Ảnh: Joe Figel, Re:wild)
Một loài thỏ cực kỳ quý hiếm, từng được coi là đã mất tích từ đầu những năm 1900, vừa được phát hiện trở lại vào đầu năm 2025. Tưởng chừng như sẽ không còn có thể nhìn thấy chúng trong tự nhiên, nhưng một cuộc thám hiểm ở dãy núi Sierra Madre del Sur (Mexico) sau hơn 120 năm đã thay đổi tất cả. Không chỉ chụp được hình ảnh của loài thỏ quý hiếm này, nhóm nghiên cứu còn phát hiện chúng ở 7/10 khu vực được khảo sát.
Trong chuyến thám hiểm gần đây, nhóm nghiên cứu đã đặt bẫy camera trong các khu rừng núi cao của Guerrero, Mexico. Hình ảnh thu được xác nhận sự tồn tại của thỏ đuôi bông Omiltemi - loài động vật nhỏ màu nâu từng bị coi là đã tuyệt chủng do không có ghi nhận nào trong hơn một thế kỷ. Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn quan sát thấy chúng xuất hiện ở phần lớn các khu vực khảo sát, cho thấy quần thể của loài này có thể lớn hơn dự đoán ban đầu.
Thỏ đuôi bông Omilteme (Sylvilagus insonus), được xác định lần đầu tiên vào năm 1904 bởi Edward William Nelson ở Omilteme, Guerrero, Mexico, dưới tên khoa học Lepus insonus. Thỏ đuôi bông Omilteme ngay sau đó được phân loại lại thành một thành viên của chi Sylvilagus. Đây là một trong những loài thỏ kỳ lạ nhất trên thế giới, có bộ lông dày và sẫm màu, kích thước rất nhỏ. Ngoài ra, chúng khác với những loài thỏ đuôi bông khác vì có đuôi đen nhỏ thay vì đuôi màu trắng.
Việc phát hiện lại loài thỏ này là một thành công lớn đối với Re:wild, một tổ chức bảo tồn chuyên tìm kiếm các loài bị biến mất. Đây là loài thứ 13 mà Re:wild đã tái phát hiện. Thỏ đuôi bông Omilteme được coi là một trong những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và chỉ được biết đến từ một vài mẫu vật. Chúng từng được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và các nhà chức trách Mexico liệt kê là loài "cực kỳ nguy cấp", hiện nay chúng được coi là loài "thiếu dữ liệu".
Alberto Almazán-Catalán, người dẫn đầu đoàn nghiên cứu cho biết: "Mặc dù có vẻ ngoài nhỏ bé, nhưng chúng rất khỏe, nhanh nhẹn và có tính chiếm hữu lãnh thổ. Chúng tôi quan sát thấy loài thỏ này leo lên cao với độ nghiêng 80%, chiều cao lên tới 5 - 6 mét. Chúng còn bảo vệ lãnh thổ nhỏ của mình khỏi những con thỏ cùng loài một cách khá hung dữ và gay gắt".
Theo các nhà khoa học, có một số lý do khiến loài thỏ này biến mất khỏi tầng sinh quyển Mexico, chủ yếu là do nạn săn bắt quá mức và môi trường sống của chúng bị phá hủy, vì nhiều khu rừng của chúng đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho các tòa nhà. Điều ấn tượng nhất là chúng đã có thể sống sót ở những vùng xa xôi mà không bị phát hiện trong hơn 100 năm. Đây chính là lý do giúp chúng tiếp tục sinh sản và tồn tại đến ngày nay.
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện này sẽ tạo động lực cho các nỗ lực bảo vệ môi trường sống của thỏ đuôi bông Omiltemi, cũng như thúc đẩy nghiên cứu thêm về sự đa dạng sinh học trong khu vực. Sự tồn tại của loài này nhấn mạnh rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết về thiên nhiên và tầm quan trọng của việc tiếp tục bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.
Sự trở lại của thỏ đuôi bông Omiltemi không chỉ là tin vui cho giới khoa học, mà còn mang lại hy vọng rằng nhiều loài khác tưởng chừng đã tuyệt chủng, hoặc vẫn có thể đang tồn tại trong tự nhiên. Với sự hỗ trợ của các tổ chức như Re:wild, công cuộc tìm kiếm và bảo vệ các loài động vật quý hiếm sẽ tiếp tục, giúp đảm bảo tương lai cho đa dạng sinh học toàn cầu.
Sao La: Loài động vật quý hiếm được tìm thấy ở Việt Nam

Hình ảnh một cá thể sao la đang di chuyển dọc con suối một thung lũng tại khu vực hẻo lánh của dãy núi Trung Trường Sơn của Việt Nam được bẫy ảnh đã chụp lại trong tối ngày 7/9/2013.
Sao la là loài thú quý hiếm, được xem như báu vật vô giá của Đông Nam Á, "kỳ lân" của châu Á… Nó được phát hiện năm 1992, nhưng về sau gần như "bặt vô âm tín". Sao la khó bắt gặp đến mức, các nhà khoa học còn chẳng có cơ hội trực tiếp tiếp cận chúng để nghiên cứu. Mất 4 năm kể từ 1992 chúng ta mới chụp được một bức ảnh về sao la.
Trong lúc cả thế giới nghĩ rằng sao la đã biến mất vĩnh viễn, vào năm 2013, nó bỗng xuất hiện đầy bất ngờ ở rừng Trường Sơn. Tin tức này khiến các nhà bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam nói riêng, quốc tế nói chung hạnh phúc không kể xiết.
Con sao la còn sống đầu tiên được bắt giữ vào năm 1996 tại Lào. Một vài cá thể khác được bắt giữ những năm sau đó. Đáng tiếc rằng, loài sao la tỏ ra không thích nghi nổi với điều kiện nuôi nhốt, tất cả những cá thể kể trên đều bị chết.
Sao la là loài thú mới được phát hiện vào năm 1992 bởi một nhóm các nhà khoa học của Bộ Lâm nghiệp Việt Nam cũ (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và WWF khi nghiên cứu đa dạng sinh học rừng tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh, Việt Nam), gần biên giới Việt Nam và Lào.
Tại đây, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một hộp sọ với cặp sừng kỳ lạ trong nhà một thợ săn. Đó được xem là phát hiện đầu tiên về một loài động vật có vú lớn trên thế giới trong vòng 50 năm và là một trong những phát hiện về loài tuyệt vời nhất thế kỷ 20.

Sao la còn được gọi là kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện sau khi được phát hiện vào năm 1992
Sau hơn 20 năm, hiểu biết về sinh thái và tập tính của sao la vẫn còn rất hạn chế, và sự khó khăn trong việc nắm bắt loài động vật bí ẩn này đã ngăn cản các nhà khoa học đưa ra ước tính chính xác về quần thể loài. Có thể còn khoảng 200 hoặc chỉ còn vài chục cá thể sao la ở các cánh rừng rậm dọc biên giới Việt - Lào.
Sao la còn được gọi là kỳ lân châu Á bởi nó hiếm khi được nhìn thấy và được nhận diện sau khi được phát hiện vào năm 1992.
Lần cuối cùng sao la được ghi nhận là ở Lào năm 2010. Người dân tại tỉnh Bolikhamsay, Trung Lào, đã bắt được một cá thể sao la, nhưng cá thể này đã chết sau đó. Trước đó, lần cuối cùng sao la được ghi nhận trong tự nhiên là vào năm 1999 tại Bolikhamsay cũng qua hoạt động bẫy ảnh.
Tại Việt Nam, lần cuối cùng một cá thể Sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998.
Loài sao la thuộc nhóm thú sừng rỗng trông giống loài Linh dương với 2 cặp sừng song song, nhọn dần về phía cuối và có thể dài tới 50cm.
Sao la là biểu tượng cho sự đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới Lào và Việt Nam. Cùng với sự phát hiện của sao la, hai loài khác là Mang lớn và Mang Trường Sơn cũng đã được phát hiện trong những khu rừng Trường Sơn năm 1994 và 1997.