Loại virus nguy hiểm ủ bệnh nhiều năm, chờ thời cơ bùng phát
Trong một số trường hợp hiếm hoi, virus dại có thể ủ bệnh rất nhiều năm trong cơ thể nạn nhân thay vì 2-8 tuần như thông thường.
Mùa nắng nóng thường là thời điểm bệnh dại có xu hướng tăng cao. Thời gian gần đây, hàng loạt trường hợp bị chó dại cắn dẫn đến tử vong được ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo ngại ở virus dại là khả năng ủ bệnh âm thầm. Một số người bất ngờ phát bệnh sau mấy tháng, thậm chí hàng năm trời bị chó cắn.
Tử vong sau khi bị chó cắn vài năm
Cũng khoảng thời gian này năm ngoái, một cô gái 23 tuổi, quê Lào Cai, bất ngờ phát hiện mắc bệnh dại. Trước đó, cô có biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, khó thở, co giật, xuất tiết đờm dãi nhiều nên đi khám tại một bệnh viện tư nhân rồi chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này, cô gái có biểu hiện ớn lạnh, sợ nước, sợ gió, ánh sáng…
Kết quả xét nghiệm nước bọt và dịch não tủy khẳng định cô gái dương tính với virus dại. Cô gái sau đó đã ngừng tim 2 lần và được gia đình xin đưa về để lo hậu sự.
Điều tra bệnh sử, người nhà cho hay 18 tháng trước, cô từng bị con chó của gia đình nuôi cắn vào ngón tay trỏ, gây chảy máu. 3 ngày sau, con chó chết nhưng cô gái vẫn không tiêm vaccine, huyết thanh phòng dại.
Người đàn ông quê Bến Tre, hơn 50 tuổi, từng bị chó thả rông trong nhà cắn vào mông từ 4 năm trước. Vì chủ quan, nạn nhân không theo dõi tình trạng con chó, cũng không đi chích ngừa.
4 năm sau, người đàn ông bắt đầu có biểu hiện hoảng hốt, sợ nước, sợ gió... Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), ông được làm xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với virus dại, ít ngày sau thì tử vong.
Ủ bệnh âm thầm
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm nay, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng vài tháng đầu năm đã ghi nhận hàng chục trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp).
Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh dại có thời gian ủ bệnh ngắn, khoảng 10-15 ngày.
Nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Dại là bệnh do virus lây truyền từ động vật sang người, thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, bệnh dại gần như gây tử vong 100%.
Thường thời gian ủ bệnh dại ở người là 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.
Y văn đã ghi nhận những trường hợp ủ bệnh dại đến 19 năm, sau đó mới phát bệnh và gây tử vong. Đây cũng là lý do nhiều người bệnh tử vong chỉ sau vài ngày bị chó mèo cắn, nhưng cũng có người mãi vài năm sau mới phát bệnh.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine, có khoảng 60.000-70.000 người chết do bệnh này.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Trong 99% trường hợp, chó nhà là nguyên nhân truyền virus dại sang người. Mọi người thường bị nhiễm bệnh sau vết cắn sâu hoặc vết xước từ động vật mắc bệnh dại.
Sự lây truyền cũng có thể xảy ra nếu nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ mắt hoặc miệng) hoặc vết thương ngoài da mới.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Sau đó, rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod, không băng kín vết thương. Đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế.
Không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị bệnh dại.
Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.