Loại vũ khí bất ngờ giúp Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga
Khinh khí cầu mang chất nổ được đánh giá là vũ khí bất đối xứng, có thể giúp Ukraine tăng cường khả năng tấn công chiến lược.
Ukraine đang tấn công Nga bằng loại thiết bị không người lái tầm xa mới: khinh khí cầu thả chất nổ từ độ cao lớn. Những thiết bị đơn giản và giá rẻ này được điều khiển bằng các thiết bị điện tử phức tạp có liên lạc vệ tinh. Các phần mềm tiên tiến cùng với sự hiểu biết tốt hơn về các kiểu gió giúp những khí cầu như vậy có thể được định hướng với độ chính xác đáng kể ở tầm xa.
Các chuyên gia cho rằng, khinh khí cầu của Ukraine có một số tính năng đáng ngạc nhiên. Những thiết bị đơn giản này được đánh giá là vũ khí bất đối xứng giúp Ukraine tăng cường khả năng tấn công chiến lược.
Trở lại tháng 2/2023, lực lượng Ukraine đã bắn hạ một số khinh khí cầu của Nga. Đây dường như là những khí cầu thời tiết tiêu chuẩn mang theo thiết bị xạ radar, chúng bay về phía Kiev ở độ cao lên tới 3.350 mét và dường như được sử dụng làm mồi nhử để gây nhầm lẫn cho lực lượng phòng không Ukraine trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa.
Tháng 3 năm nay, phía Nga cho hay, lực lượng nước này đã bắn hạ khinh khí cầu của Ukraine, chúng có vẻ lớn hơn, tinh vi hơn và được trang bị vũ khí.
Mash, kênh Telegram ủng hộ quân đội Nga, ngày 27/3 đăng ảnh một khinh khí cầu mắc trên cành cây sau khi bị bắn hạ, cho biết đây là vũ khí tự sát mới mà lực lượng Ukraine gần đây triển khai nhằm bí mật tập kích lực lượng Nga. “Đây là lần đầu tiên quân đội Nga bắn hạ loại khí cầu này từ đầu xung đột”, Mash cho biết.
Hôm 16/4, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, lực lượng này đã đánh chặn và phá hủy một khinh khí cầu cỡ nhỏ của Ukraine ở khu vực Kursk.
Vũ khí đơn giản và rẻ tiền
Khinh khí cầu mang chất nổ có thể là vũ khí đơn giản, rẻ tiền. Chuyên gia Chris Hillcox thuộc tổ chức Near Space Photography cho hay một khinh khí cầu của Ukraine có giá khoảng 1.000 USD, tùy thuộc vào loại khí cầu cụ thể và việc nó chứa khí heli đắt tiền hay khí hydro rẻ tiền nhưng nguy hiểm.
Loại vũ khí tương tự được biết đến sớm nhất do kỹ sư người Áo Franz Von Uchatius phát minh vào năm 1849 trong cuộc vây hãm Venice.
Khinh khí cầu mang chất nổ được sử dụng nhiều lần trong 175 năm qua, và đặc biệt được sử dụng trong Thế chiến thứ hai.
Nhật Bản từng dùng khí cầu lửa FuGo tấn công lục địa Mỹ từ cách xa hàng ngàn km. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng triển khai hàng trăm khí cầu tầm cao tới khu vực Đông Âu để thu thập thông tin tình báo về năng lực hạt nhân của các quốc gia tại đây.
Gần đây hơn, Hamas đã sử dụng khinh khí cầu chứa chất gây cháy trong các cuộc tấn công từ Gaza. Mặc dù tác dụng của chúng nhìn chung là hạn chế, nhưng những khinh khí cầu như vậy đặt gánh nặng lên bên phòng thủ nhiều hơn so với bên tấn công.
Khinh khí cầu của Ukraine tiên tiến hơn đáng kể so với các mẫu trước đó. Theo các báo cáo của Nga, nó có phạm vi hoạt động hàng trăm km.
GPS và thiết bị phản xạ radar
Theo Mash, khí cầu của Ukraine được trang bị thiết bị định vị GPS, bộ điều khiển, chấn lưu, thiết bị nổ và nguồn điện. Tổ vận hành nhập sẵn tọa độ mục tiêu vào bộ điều khiển trên khí cầu trước khi triển khai nó.
Khí cầu của Ukraine cũng được trang bị tấm phản xạ radar. Nếu không có thiết bị này, khinh khí cầu sẽ có khả năng tàng hình cao và khó bị radar phát hiện. Nhưng phía Ukraine có lẽ muốn đối phương phát hiện ra những khí cầu này. Ở độ cao trên 9.000 mét, cách duy nhất để hạ khinh khí cầu là sử dụng tên lửa đất đối không hoặc không đối không đắt tiền.
Thiết bị phản xạ radar cũng có thể cho phép Ukraine theo dõi hành trình của khinh khí cầu và so sánh dữ liệu với những gì thiết bị theo dõi GPS đang gửi. Điều này có thể giúp lập bản đồ các khu vực bị nhiễu GPS để cải thiện độ chính xác của các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái.
Thiết bị theo dõi GPS được sử dụng để điều khiển khinh khí cầu với độ chính xác cao. Tuy nhiên, việc việc thả chất nổ ở độ cao càng lớn thì sẽ càng khó trúng mục tiêu.
Mặt khác hàng chục hoặc hàng trăm khinh khí cầu mang chất nổ sẽ trở thành mối đe dọa hàng loạt và điều này sẽ buộc Nga phải sử dụng các nguồn lực không cân xứng để chống lại chúng.
Nga có vũ khí nào bắn hạ khinh khí cầu?
Theo Forbes, Nga là quốc gia duy nhất sở hữu máy bay chuyên dụng để bắn hạ khinh khí cầu.
M-17 Mystic là máy bay tầm cao được Liên Xô thiết kế để đánh chặn khinh khí cầu do thám của Mỹ. Những năm 1950, Mỹ đã triển khai một số lượng lớn “khinh khí cầu thời tiết” mang theo máy ảnh để có được cái nhìn tổng quan về Bức màn sắt trong giai đoạn chưa có vệ tinh.
M-17 có thể đạt tới độ cao 21.000 mét và được trang bị pháo 23mm, bắn đạn đặc biệt để bắn hạ khinh khí cầu.
Khi mối đe dọa khinh khí cầu mờ nhạt dần, M-17 được sử dụng vào mục đích trinh sát và nghiên cứu thời tiết ở tầm cao.
Trong bối cảnh Ukraine bắt đầu gia tăng sử dụng khinh khí cầu và tận dụng hướng gió đưa chúng vào không phận Nga, thậm chí có khả năng bay qua toàn bộ nước Nga, Moscow có thể cần phải triển khai trở lại các kế hoạch phòng thủ chống khinh khí cầu.