Loạn giá kit test Covid-19: Kiểm soát chặt chất lượng, sớm bình ổn giá
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng cao, trong đó, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước khiến nhiều người dân lo lắng. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo lắng, đổ xô tìm mua các bộ kít test nhanh về tự thực hiện xét nghiệm.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân hoang mang trước tình trạng loạn giá của các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, không biết nên mua loại nào, loại nào là tốt, bảo đảm cả về giá và chất lượng.
Mỗi nơi một giá
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc mới Covid-19 từ 18 giờ ngày 17/2/2022 đến 18 giờ ngày 18/2/2022 tại TP là 4.549 trường hợp (964 ca cộng đồng; 3.585 ca đã cách ly). Đây là số ca mắc lớn nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân lo lắng, đổ xô tìm mua các bộ kít test nhanh về tự thực hiện xét nghiệm. Những ngày qua, do thường xuyên tiếp xúc với F1 là đồng nghiệp ở công ty, chị Mỹ Linh (Đan Phượng) liên tục mua bộ kít test nhanh về tự thực hiện. “Mấy ngày gần đây, nơi làm việc có nguy cơ cao nên để yên tâm hơn, ngày nào tôi cũng mua kít xét nghiệm nhanh. Thế nhưng, mỗi nơi bán với giá một kiểu. Tôi hay mua loại Kit BioCredit test nhanh Covid-19 (Hàn Quốc) có giá 80.000 đồng/bộ. Nhưng cũng loại test này, tôi mua ở hiệu thuốc gần công ty có giá 90.000 đồng. Loại test nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ có mức giá 85.000 đồng. Giá thì mỗi nơi một kiểu, trong khi, chất lượng, tôi cũng không rõ thế nào” - chị Linh băn khoăn.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hạnh (Hoàng Mai) cho biết: Trước Tết Nguyên đán, chị đã mua một hộp kit Biocredit Covid-19 Ag gồm 25 kit với giá 1.070.000 đồng (tương đương 43.000 đồng/kit). Tuy nhiên, sau Tết, khi tôi hỏi mua thêm, mức giá của hộp kit test đã tăng lên 1,3 triệu đồng (tương đương 52.000 đồng/bộ)” - chị Hạnh chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên, tìm hiểu thực tế tại một số hiệu thuốc trên địa bàn TP Hà Nội, hầu hết, các hiệu thuốc đều bày bàn các bộ test nhanh Covid-19. Tại một số nhà thuốc, giá các loại kit test Covid-19 ở nhiều mức giá khác nhau tùy vào nơi sản xuất như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ...
Chị N.T.L., nhân viên hiệu thuốc trên đường Phan Đình Phùng, huyện Đan Phượng cho biết, những ngày qua, mỗi ngày hiệu thuốc bán hơn 80 bộ test nhanh Covid-19, cao gấp đôi so với thời điểm trước Tết. Cửa hàng chỉ bán duy nhất một loại test nhanh của Hàn Quốc với giá 80.000 đồng. Giá của các loại kit xét nghiệm tăng lên từng ngày.
Trong khi đó, cùng là sản phẩm Biocredit, một nhà thuốc ở ở đường Hồ Tùng Mậu (Mai Dịch, quận Cầu Giấy) bán một bộ kit test có giá 68.000 đồng/bộ (bán lẻ). Chị Đ.H., chủ hiệu thuốc cho biết, những cửa hàng mặt đường lớn thì giá thuốc thường cao hơn do chi phí thuê cửa hàng cao, và hơn nữa cùng tùy thuộc và lô hàng nhập, cửa hàng nào nhập với số lượng lớn thì mức giá cũng sẽ được ưu đãi hơn và đợt này kít xét nghiệm đang "cháy" hàng nên giá có tăng một chút.
Theo các chủ hiệu thuốc, hiện nay trên thị trường có thêm loại kít xét nghiệm bằng nước bọt của Trung Quốc tuy nhiên loại kít này hiệu quả không bằng kít dịch tỵ hầu và chưa được Bộ Y tế cấp phép.
Ngoài việc các nhà thuốc, quầy vật tư y tế bán test nhanh kháng nguyên Covid-19, thì việc quảng cáo, bán tràn lan test nhanh trên các trang mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau cũng đã gây nhiều khó khăn cho người dân khi đi mua và sử dụng. Các loại test nhanh được bán có xuất xứ đa dạng từ Trung Quốc, Pháp, Đức…, với cách thức test bằng lấy mẫu dịch tỵ hầu, dịch họng, nước bọt. Giá cả các bộ test nhanh cũng khác nhau, dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/bộ tùy loại, tùy vào nơi bán.
Qua khảo sát, cho thấy cùng là một loại test nhanh của hãng Newgene bill Pháp, chủ tài khoản D.P. rao bán với giá 275.000 đồng/hộp 5 que (tương đương 55.000 đồng/que), nhưng chủ tài khoản H.N. lại rao bán với giá lẻ 60.000 đồng/ test 2in1 (test được cả mũi và nước bọt). Còn loại Flowflex SARS-CoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc được chủ tài khoản H.T. rao bán với giá 70.000 đồng/1 bộ.
Trên trang chợ thuốc Hapulico, mỗi ngày có hàng chục dòng trạng thái rủ mua chung, bán sỉ, lẻ kit test Covid-19. Nhiều loại kit test nhanh Covid-19 được người bán giới thiệu, rao bán có giá rẻ hơn như bộ test nhanh Standard-q Korea được rao bán 56.000 đồng/bộ hay loại test nhanh Labnovation (Trung Quốc) được chào bán với giá 52.000 đồng/bộ; kit test nhanh Covid-19 nhãn hiệu Hightop công nghệ Đức giá 72.000 đồng/kit. Tuy nhiên, chị T.H., nhân viên bán hàng tại Chợ thuốc Hapulico cho biết, giá sản phẩm thay đổi từng ngày và liên tục “cháy” hàng. Thời điểm này, cửa hàng không còn mặt hàng kit test nhanh cũng như một số sản phẩm tăng cường sức đề kháng.
Cần quản lý, kiểm tra, điều tiết giá cả, chất lượng
Đề cập đến vấn đề này, TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, kit test nhanh có 2 loại là xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Hiện nay, chúng ta đang dùng loại kit test nhanh kháng nguyên để xét nghiệm Covid-19, xác định sự có mặt kháng nguyên vỏ của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các loại kit test nhanh được bày bán trên thị trường, người dân khó phân biệt được giữa kháng nguyên và kháng thể. Mặt khác, các kit test có độ nhạy và độ đặc hiệu khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau. Kit test khi đưa vào sử dụng cần phải được các cơ quan y tế uy tín cấp phép. Ở Việt Nam, chỉ nên dùng các loại đã được Bộ Y tế cấp phép mới có thể đảm bảo chất lượng. Người dân cũng khó biết được kit test nào có độ nhạy, độ đặc hiệu bao nhiêu và loại nào đã được Các cơ quan y tế uy tín kiểm định và cho phép lưu hành. Người dân chỉ nên sử dụng các loại kit test đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Do vậy, khi mua ở hiệu thuốc, người dân cần hỏi hiệu thuốc loại kit test này được cấp phép tại quyết định nào của Bộ Y tế.
Hiện nay, tình trạng người dân đổ xô mua bộ kit xét nghiệm tại nhà xảy ra khá phổ biến và thực tế đã xảy ra tình trạng “loạn giá” các loại test nhanh Covid-19, loạn sinh phẩm không được kiểm soát, đánh giá. Từ đó, đây là cơ hội kiếm lời của người kinh doanh vật tư y tế, họ nhập hàng xách tay, bày bán tràn lan ngoài thị trường, trên mạng xã hội, không biết chất lượng ra sao.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dương giả và âm giả đều có, do bản thân độ chính xác (độ nhạy, độ đặc hiệu) của test cộng với tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng. Như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) khuyến cáo, sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng, độ nhạy và độ đặc hiệu có thể có ảnh hưởng lớn đến số lượng kết quả xét nghiệm dương tính giả và âm tính giả, đặc biệt khi áp dụng cho các quần thể lớn. Nếu tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng thấp thì dương tính giả sẽ cao. Còn tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng cao thì khi đó âm tính giả sẽ được ghi nhận” - TS Lã Thị Lan nêu rõ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo: Trước tình hình hiện nay, người dân nên mua loại kit xét nghiệm nhanh trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại các cửa hàng thuốc uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Đây là vấn đề hàng đầu về chất lượng. Còn về giá cả, thị trường phải quản lý, xem xét, kiểm tra và điều tiết.
Theo các chuyên gia y tế, trong công tác quản lý, trước tình trạng bộ test nhanh Covid-19 bày bán tràn lan như hiện nay, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng thanh tra y tế cần vào cuộc, xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở bán các sản phẩm chưa được cấp phép, nhằm bảo đảm hàng hóa chất lượng tốt nhất đến tay người dùng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19; Ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Bộ TT&TT chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, quảng cáo đặc biệt qua hệ thống mạng đối với các sản phẩm trang thiết bị y tế trong đó có các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được phép lưu hành ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường hậu kiểm về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm.
Bộ Y tế yêu cầu Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về đăng ký lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2. Sở Y tế các tỉnh, TP chủ động xây dựng kế hoạch hằng năm, phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng trên địa bàn (Công an, Quản lý thị trường....) tăng cường công tác hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, các test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2.
Bộ Y tế chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các phòng, ban và các lực lượng chức năng có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về công bố lưu hành, duy trì đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế và các test xét nghiệm nhanh, xét nghiệm.