Loạn thị có khó điều trị?
Loạn thị tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những bất tiện, khó khăn trong cuộc sống. Loạn thị cộng với cận thị thành tật cận loạn.
Loạn thị là một loại tật khúc xạ khá phổ biến. Loạn thị thường xuất hiện lúc mới sinh và có thể xảy ra kết hợp với cận thị hoặc viễn thị.
Thế nào được gọi là loạn thị?
Loạn thị xảy ra khi mặt trước của mắt (giác mạc) hoặc ống kính bên trong mắt, có một độ cong bề mặt hơi khác nhau theo một hướng khác. Thay vì ngay thẳng và mịn trong tất cả các hướng, bề mặt có thể có một số khu vực cong hoặc dốc hơn.
Ở mắt bình thường, các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng ở mắt loạn thị, các tia hình ảnh lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ.
Loạn thị khi nhẹ không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến thị lực. Trong trường hợp loạn thị cao (từ 1,5 D trở lên), thị lực sẽ giảm và có thể làm cho mắt trẻ nhược thị nếu không được chỉnh kính và tập luyện.
Khác biệt về bán kính cong của giác mạc hoặc thể thủy tinh gây loạn thị thường xuất hiện từ khi sinh và không liên quan đến thói quen và mức độ sử dụng mắt của trẻ. Mức độ loạn thị cũng thường không thay đổi (tăng lên hoặc giảm đi) theo thời gian như cận thị hoặc viễn thị.
Nguyên nhân và triệu chứng của loạn thị
Nguyên nhân
Loạn thị chủ yếu là do giác mạc có hình dạng bất thường. Bình thường bề mặt giác mạc có hình cầu (ví như khi ta cắt một phần qua trái bóng đá). Khi bị loạn thị, giác mạc có độ cong không đều. Sự thay đổi độ cong bề mặt giác mạc làm hình ảnh của vật hội tụ thành nhiều đường tiêu trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ nhòe, biến dạng hình ảnh.
Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào phối hợp của loạn thị với cận thị và viễn thị: Loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép, loạn thị hỗn hợp. Tùy thuộc vào loại loạn thị và mức độ loạn thị mà gây ảnh hưởng khác nhau đến chức năng thị giác.
Các triệu chứng của loạn thị
Đôi khi loạn thị không có triệu chứng mà chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đến khám định kỳ, khám sàng lọc tại các trường, hoặc khi khám khúc xạ để đeo kính đọc sách.
Hình ảnh bị biến dạng, có thể nhìn mờ cả xa lẫn gần, nhức đầu và mỏi mắt (vùng trán và thái dương), nhìn phải nheo mắt, chảy nước mắt, mắt bị kích thích. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ, khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm.
Phương pháp điều trị loạn thị và cách hạn chế
Mục tiêu của điều trị loạn thị là điều chỉnh độ cong không đồng đều gây mờ tầm nhìn. Điều trị bao gồm đeo kính để hiệu chỉnh và trải qua phẫu thuật khúc xạ. Đeo kính loạn thị xử lý khắc phục bằng cách chống lại độ cong của giác mạc. Các loại ống kính hiệu chỉnh là:Kính áp tròng; Kính đeo mắt; Phẫu thuật khúc xạ; Phẫu thuật lasik; Laser hỗ trợ .
Lời khuyên của thầy thuốc
Loạn thị nói riêng và mắt có tật khúc xạ nói chung là mắt có thị lực kém. Trẻ bị tật này sẽ có một số bất tiện trong sinh hoạt, học tập. Vì vậy điều quan trọng cần thực hiện là:
Phát hiện sớm chứng loạn thị.
Thường xuyên khám mắt để phát hiện và có phương hướng điều trị thích hợp.
Thư giãn cơ mắt, thực hiện các bài tập luyện cơ mắt: Để ngón tay cái ở trước mắt, khoảng cách của ngón tay cái so với mũi là 10 cm và di chuyển dần dần ngón tay cái từ vị trí mắt không thể nhìn thấy cho đến vị trí mắt có thể nhìn thấy rõ. Nên thực hiện từ 2 - 3 phút và duy trì tập 3 - 4 lần mỗi tuần sẽ có thể cải thiện tốt tật khúc xạ ở mắt như loạn thị.
Chọn ánh sáng phù hợp trong khi học tập, làm việc.
Có thời gian nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý.
Có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ cải thiện đôi mắt sáng khỏe nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định mua và sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loan-thi-co-kho-dieu-tri-16923041215440571.htm